NỢ Y TẾ
Bạn có bao giờ nhận được hóa đơn bệnh viện và thấy khả năng chi trả ngoài tầm tay không?
Gia đình tôi đã từng như vậy khi tôi sảy thai. Lúc đó chồng tôi đang là sinh viên sau đại học, đi thực tập 2 tháng hè, và thu nhập tháng 6 và tháng 7 tăng đột biến. Chưa kịp vui mừng vì có thêm khoản dư để tiết kiệm cho đứa con thứ hai sắp ra đời thì tôi bị sảy thai.
Tôi được siêu âm xem còn tim thai không, được bác sĩ khám và kê đơn thuốc, rồi nằm nhà chờ cơ thể mình đào thải ra hết. Không phẫu thuật, không khám lại sau đó. Thế nhưng chúng tôi nhận được hóa đơn gần 2 ngàn đô. Bảo hiểm y tế cá nhân của tôi mua không chi trả cho “lab work” tức là siêu âm hay xét nghiệm.
Thu nhập sinh viên lúc ấy của chồng tôi là 1 ngàn đô/ tháng, tiền thuê nhà là 550 đô, còn lại là ăn uống và chi tiêu. Và thế là phải gọi điện về nhà để mượn tiền người thân gia đình để thanh toán hóa đơn ấy. Từ nợ bệnh viện thì chuyển qua thành nợ người thân, nhưng bản chất vẫn là nợ y tế.
Những hóa đơn từ những chuyến đến phòng khám hay phòng cấp cứu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ y tế.
Đó có thể là chi phí cho 1 lần khám chữa bệnh hay là bệnh ngắn hạn, thường là xảy ra bất ngờ.
Thực tế là khoảng phân nửa số người lớn - bao gồm 33% hiện đang không có nợ y tế - rất dễ lâm vào cảnh nợ nần, tức là họ sẽ không thể thanh toán được hóa đơn y tế $500 nếu không vay tiền.
Chúng ta sợ nợ. Hầu như không ai muốn mắc nợ một cách bất ngờ như thế này. Nợ khi bệnh tật và tai nạn khác với nợ mà bạn có dự định như nợ vay mua nhà hay mua xe.
May mắn là chúng tôi đã trả được hóa đơn ấy (dù bằng cách vay nợ người thân).
Nhưng có người không may mắn như vậy.
41% người Mỹ mang nợ y tế theo khảo sát của NPR.
Khoản nợ có thể từ vài trăm đô cho đến cả triệu.
Edy Adams bị công ty thu nợ truy đuổi nhiều năm chỉ vì hóa đơn $130.58 khi cô đi xét nghiệm sau khi bị hãm hiếp. Cảnh sát không tìm ra được thủ phạm, luật của bang Illinois cấm gửi hóa đơn cho nạn nhân về các xét nghiệm này. Thế nhưng dù có giải thích bao lần thì các cuộc gọi của công ty thu nợ vẫn không dừng lại. Đáng sợ là những cuộc gọi này cứ nhắc nhở cô những cơn ác mộng mà cô muốn quên.
Ở Mỹ, bạn rất dễ mắc nợ y tế cho dù có bảo hiểm hay không, thu nhập cao hay thấp. Và bạn không thể nào sự đoán được hóa đơn bạn sẽ nhận là bao nhiêu.
Khi tôi sinh thường bé gái vào năm 2010, hóa đơn tôi nhận được là $10,000. Khi bé trai nhà tôi cắt thắng lưỡi (tongue-tie) vì bé không thể ngậm để bú sữa mẹ - một cuộc phẫu thuật chưa đầy 5 phút thì hóa đơn là $1,200.
Và mới đây, khi nhà chúng tôi đi xét nghiệm Covid tại một quầy kiểm tra bên ngoài thư viện địa phương, chúng tôi sau đó đã nhận được bill $1,200 cho 4 người, mỗi người $300.
Nếu nhà bạn có người có bệnh nền, hay bệnh vặt thì các hóa đơn y tế sẽ cứ kéo dài mãi.
Nợ làm bệnh nhân thêm áp lực và càng khó hồi phục. Nợ làm bệnh nhân lưỡng lự có nên ngưng điều trị hay không. Nợ cũng làm cho bệnh nhân bị từ chối thăm khám bởi phòng khám.
Nợ cũng làm tương lai bạn u ám khi bạn không thể tiết kiệm cho việc học của con cái hay để dành tiền về hưu cho mình.
Nợ cũng ảnh hưởng đến điểm tín dụng, làm bạn khó khăn khi vay mua nhà hoặc mua xe.
Có lẽ vậy, nên nhiều người Việt tại Mỹ nếu có thể kéo dài để về Việt Nam điều trị thì họ sẽ làm như vậy. Ngay cả người Mỹ, vẫn có người qua Mexico để điều trị bệnh.
Và rất nhiều người tuyên bố khi về già, họ sẽ đi nước ngoài sống chỉ vì y tế các nước ấy có chi phí rạch ròi và có thể chấp nhận được.
Vậy nếu bạn biết rằng bạn có bệnh nền, có thể sẽ làm bạn cần người chăm sóc lúc tuổi già, bạn làm gì để tránh bị nợ?