Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Câu chuyện tháng 5/2023


You can read the post in English here. 

Xin chào,

Bữa nay mới ngồi xuống viết được một bài hoàn chỉnh cho câu hỏi của một người bạn cách đây vài tháng. Bạn hỏi mình là bạn nên làm gì với số tiền $30,000 trong tài khoản tiết kiệm của bạn. Một người bạn khác cũng hỏi là bạn đi làm bán thời gian thì số tiền dư ra mỗi tháng nên làm gì với nó. Mình đã trả lời bạn bè qua tin nhắn, nhưng căn nguyên của câu trả lời sẽ được viết đầy đủ ở bài này.

Nhiều người Mỹ đã biết đến Tháp Maslow về nhu cầu của con người từ lúc họ học trung học. Còn mình thì biết Tháp Maslow lúc học về tài chính.


Con người lớn lên, học hành rồi đi làm. Vì sao? Lúc còn tuổi thiếu niên, mình đã tự hỏi nhiều như thế. Ai cũng phải làm việc, lao động. Từ thời tiền sử, con người lao động để có thức ăn, nước uống, chỗ nghỉ ngơi và sưởi ấm. Sau đó thì chúng ta tìm một nơi ổn định để xây dựng gia đình trong một thời gian dài, có khi kéo dài nhiều thế hệ. 

Trong thời hiện đại, chúng ta vẫn làm việc để có tiền mua thức ăn, nước uống giúp chúng ta no bụng. Chúng ta cũng cần tiền cho mái nhà trên đầu, có thể là tiền thuê nhà hay tiền trả nợ vay ngân hàng mỗi tháng. Đây là những nhu cầu sinh lý thiết yếu của con người, là nền tảng của tháp Maslow.

Ngày nay, nhu cầu ăn no mặc ấm nhìn có vẻ không cấp thiết. Thế nhưng ngay tại nước Mỹ, vẫn có rất nhiều người phải vật lộn kiếm sống để có thức ăn vào bụng và mái nhà trên đầu. 

42 triệu người Mỹ - tức 12.6% dân số nước Mỹ đang dựa vào chương trình SNAP (Supplemental Nutrition Assistance Program) - hay còn gọi là chương trình tem phiếu (Food Stamp Program) để có thức ăn mỗi ngày. Chưa kể các chương trình khác như Food Bank cũng hỗ trợ thức ăn đến các gia đình thiếu thốn thức ăn.

Cũng có hàng triệu người Mỹ đang chịu cảnh không nhà, ngắn hạn hay dài hạn. Và 9.3 triệu người Mỹ cũng nhận sự giúp đỡ của Chính phủ thông qua chương trình Housing để được hỗ trợ khi thuê nhà. 

Tình trạng vô gia cư


Có thể bạn cũng có quen biết một vài người đang nhận sự hỗ trợ từ 1 hoặc 2 chương trình kể trên. Trong một nhóm Facebook mình tham gia, một admin đã kể về kinh nghiệm của anh khi bị sa thải và không có tiền trả tiền thuê nhà. Đó cũng là thực tại của nước Mỹ, bạn có thể mất việc bất kỳ lúc nào và có thể không còn tiền cho các như cầu cơ bản của mình. 

Ý tưởng của Maslow là bạn phải đáp ứng được nhu cầu cơ bản nhất của con người trước khi bạn vươn tới đạt được các nhu cầu khác. Tục ngữ Việt Nam cũng có câu, "Có thực mới vực được đạo." 

Như vậy, nếu như bạn có dư một chút tiền và chưa biết làm gì thì hãy nhìn Tháp Maslow để quyết định.

Tiền trong tài khoản của chúng ta đã đủ cho nhu cầu cơ bản trong một tháng chưa? Tài khoản checking của bạn đã có đủ tiền thức ăn, nước uống, tiền đi lại, tiền chăm sóc sức khỏe, tiền thuê nhà, v.v... trong một tháng chưa?

Khi các nhu cầu đó đã được đáp ứng thì chúng ta lại hỏi xem chúng ta đã tích trữ cho tháng thứ 2 chưa? Nếu tháng thứ 2 chúng ta không có thu nhập thì sao? Đây là lúc số tiền dư ra sau khi trừ đi các chi phí cần thiết được bỏ vào một quỹ gọi là quỹ khẩn cấp- Emergency Fund. Và lời khuyên là bạn nên tích cóp cho quỹ này cho tới khi đủ chi phí cho nhu cầu thiết yếu ít nhất là 6 tháng cho đến một năm. 

Source


Ví dụ như nếu tổng các chi phí thiết yếu là $3,000 mỗi tháng thì bạn sẽ cần khoảng $18,000 đến $36,000 cho Quỹ khẩn cấp.

Quỹ này sẽ được dùng để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu nếu như bạn bị sa thải, bệnh hoặc bị thương trong vài tháng. Hãy cất Quỹ dự phòng tách biệt với tài khoản Checking để không bị xài lẫn vào.

Tạo ra quỹ Khẩn cấp sẽ giúp bạn có một cái đệm tài chính, giúp bạn không bị nợ nần khi gặp các sự việc không mong muốn.

Xin chúc mừng nếu bạn đã có Quỹ khẩn cấp!

Sau đó bạn có thể di chuyển đến cấp độ 2: An toàn và bảo đảm. Ở cấp độ này, thường là bạn đã có thêm thu nhập, có thể do được thăng tiến, đổi việc với thu nhập tốt hơn, làm thêm việc hoặc xóa được một chi phí nào đó không cần thiết.

Ở giai đoạn này, bạn cần tăng cường bảo vệ các nhu cầu thiết yếu cho thời gian dài hơn, mức độ nghiêm trọng hơn. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người tạo thu nhập chính mất đi? Do đó bạn cần bảo hiểm nhân thọ cho người tạo ra thu nhập. Người ở nhà chăm sóc con cái cũng cần bảo hiểm nhân thọ. Bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn là vừa túi tiền khi bạn còn trẻ và khỏe mạnh.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người tạo thu nhập chính bị bệnh hoặc bị thương lâu hơn 1 năm? Ở thời điểm này, quỹ Khẩn cấp của bạn có thể đã hết sạch tiền, có khi bạn còn mắc nợ vì phải chi trả thêm chi phí chữa trị. 

Nếu như công ty nơi bạn làm việc có mua phúc lợi bảo hiểm thu nhập khi thương tật ngắn hạn thì bạn được chi trả trong 6 tháng, bảo hiểm thu nhập khi thương tật dài hạn thì bạn được chi trả tối đa 2 năm. Nếu công ty không có phúc lợi này thì bạn làm sao? Phúc lợi được chi trả này sẽ phải khai thuế thu nhập. 

Một hợp đồng bảo hiểm thu nhập khi thương tật do bạn tự mua với số tiền sau thuế có thể giúp bạn bảo đảm các nhu cầu thiết yếu đến 5 năm hoặc 65 tuổi, tùy theo bạn thiết kế. Do đó, bạn sẽ đỡ lo lắng hơn mà tập trung vào trị liệu để hồi phục nhanh hơn. Bảo hiểm thu nhập khi bị thương tật thường mắc hơn bảo hiểm nhân thọ do đó bạn có thể đợi đến khi số tiền dư dả nhiều hơn. Nên nhớ rằng khả năng tạo ra thu nhập chính là tài sản mà bạn cần bảo vệ nhất.



Khi bạn đã bảo vệ được các nhu cầu thiết yếu trong hiện tại và tương lai gần, bạn có thể nghĩ đến các mục tiêu xa hơn như về hưu. Nếu như bạn muốn có một giai đoạn hưu trí thư thả thì bạn nên tiết kiệm cho về hưu càng sớm càng tốt. Bạn có thể tiết kiệm tiền về hưu trong quỹ về hưu được công ty hỗ trợ như 401(k) hoặc quỹ về hưu cá nhân IRA hoặc Roth IRA. Nếu bạn có 30 năm làm việc thì số tiền của bạn cũng cần 30 năm để tăng trưởng dựa vào sức mạnh của lãi suất kép.

Sau khi các nhu cầu thiết yếu trong hiện tại được thỏa mãn, chúng ta thường nghĩ tới các nhu cầu tâm lý cao hơn. Chúng ta cần được cảm giác thuộc về, cần được tôn trọng, cần được yêu thương. Số tiền dư dả có thể được bạn dùng để đầu tư vào các mối quan hệ hoặc những thứ làm bạn cảm thấy mình được tôn trọng.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về Tháp Maslow. Họ cho rằng các nhu cầu không theo thứ tự như Maslow đề nghị

Có người dù nhu cầu thiết yếu chưa được lấp đầy thì họ vẫn chú trọng vào việc làm cho mình được tôn trọng. Có người mặc dù tài chính chưa ổn định nhưng vẫn thích mua sắm và mang nợ thẻ tín dụng. 

Tương tự, có người dù còn thiếu thốn nhưng vẫn đóng góp công sức hoặc tiền bạc vào các chương trình từ thiện chứ không phải đợi hoàn thành hết các nhu cầu thiết yếu thì mới đóng góp. 

Những biểu hiện này bạn có thể gặp ở xung quanh, và nó khẳng định các phê bình về Tháp Maslow hoàn toàn có lý.

Thế nhưng bạn có thể dùng tháp Maslow để cân nhắc là mình nên cất tiền vào đâu trước.

Amy Fontinelle có viết trên blog của Mass Mutual về Kim tự tháp tài chính này và tách nhỏ các số tiền mà bạn cần tiết kiệm. Đây có thể không phải là một quyển cẩm nang nhưng khi bạn không thấy rõ bức tranh tài chính của mình thì Kim tự tháp tài chính có thể giúp bạn quyết định.

Kim tự tháp tài chính


Bên cạnh đó, lý thuyết của Maslow cũng giúp bạn lên kế hoạch về hưu tốt hơn.

Trong quyển sách Retirement Income Redesigned, hai tác giả Harold Evensky và Deena B Katz đã chỉ ra mối liên hệ gần gũi giữa trật tự của các nhu cầu và việc lên kế hoạch về hưu. Phía dưới là hình minh họa trong quyển sách giúp bạn phân chia các số tiền theo nhu cầu.



Hai tác giả chia ra thành 5 loại tiền, và cũng theo trật tự của nhu cầu.

Tiền để sống sót (Survival Money) - các chi phí cho thức ăn, nước uống, tiền thuê nhà/tiền vay mua nhà, bảo hiểm người thuê/chủ nhà, chi phí đi lại (xe, bảo hiểm xe, bảo dưỡng), chi phí y tế, v.v... Quỹ Khẩn cấp cũng nằm trong phân loại này. Chi phí này vẫn là nền tảng của chân tháp.

Tiền an toàn (Safety Money-What-if Money) Mọi chuyện bất ngờ đều có thể xảy ra. Bạn muốn sự đảm bảo và chắc chắn. Bạn có thể tiết kiệm để chuyển nhà đến nơi an toàn hơn. Hay trang bị hệ thống an toàn cho ngôi nhà. Bạn cũng không muốn mức sống gia đình thay đổi nếu như chuyện xấu xảy ra với người tạo ra thu nhập. Phí bảo hiểm cho bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm thu nhập khi thương tật và các loại bảo hiểm khác nằm trong phân loại này. Nếu như bạn có các khoản nợ xấu, hãy ưu tiên tiết kiệm để trả hết nợ.

Tiền cho tự do (Freedom Money) - bạn đã có tự do để về hưu sớm và làm điều bạn muốn không? Khi đó bạn nên để dành cho về hưu trước. Một phần tiền trong phân loại này có thể được dùng để đem đến niềm vui hoặc sự thỏa mãn trong cuộc sống của bạn. Bạn có thể dùng tiền ở đây để đi du lịch, học lên cao hay là ăn món ăn yêu thích. Số tiền để dành cho ngôi nhà mơ ước của bạn cũng nằm trong phân loại này. Có người có thể dư dả hơn để dùng số tiền này cho việc xây dựng gia sản. Những khoản đầu tư rủi ro sử dụng tiền tự do cũng sẽ không ảnh hưởng đến gia đình nếu như có thua lỗ. 

Tiền quà tặng (Gift Money)- Bạn có thể tặng quà cho con bằng để dành cho con tiền đóng học phí đại học. Hay bạn có thể giúp đỡ cha mẹ hoặc người thân khi họ khó khăn. Quyên tặng cho tổ chức từ thiện mà bạn yêu thích cũng là quà tặng. rất nhiều người không đợi đến khi giàu mới tặng hay giúp đỡ người khác.

Tiền cho Ước mơ (Dream Money) - Bạn có thể dùng số tiền ở đây cho những ước mơ của mình: một chuyến du lịch mơ ước, sở thích hay món đồ giá trị mà bạn muốn.

Phân tích các nhu cầu tiền bạc là một cách giúp bạn hướng tới tự do tài chính. Bạn có thể tự quyết định bạn nên cất bao nhiêu tiền vào mỗi loại, thay đổi thứ tự ưu tiên hay mục tiêu thời gian đạt được.

Quay trở lại câu hỏi ở trên, mình hy vọng bạn đã có câu trả lời của riêng mình. Nếu tưởng tượng mỗi loại tiền là một cái xô nước, bạn muốn đổ đầy xô nước nào trước? 

Để cho rõ ràng hơn, bạn có thể nhìn vào hình minh họa các xô nước đựng tiền mà bạn có thể đổ vào:

Milky Way Retirement minh họa. 


Bạn đổ đầy xô nước Tiền sống sót trước rồi mới tới Tiền an toàn. Bạn tự quyết định thứ tự ưu tiên của các loại Tiền tự do, Tiền quà tặng hay Tiền ước mơ

Bạn có thể không đồng ý với trật tự các nhu cầu, nhưng tất cả chúng ta đều cần Tiền sống sót và Tiền an toàn. Khi chúng ta xây nhà, nền móng có chắc thì nhà mới xây càng cao được. Khi bạn có nền tảng vững chắc, bạn và gia đình có thể vượt qua sóng gió dễ dàng hơn. Khi các nhu cầu thiết yếu được đảm bảo, bạn có thể tự do làm những điều mình muốn.

Chúc các bạn sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan.

Ha Le, CRPC™

Milky Way Retirement 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Survivor benefit is taxed but how much?

 Em gái 34 tuổi, có con gái 4 tuổi. Chồng mất năm 2021. Hiện tại em nhận được $2,166/ tháng cho hai mẹ con từ SSN (2 mẹ con số tiền bằng nha...