Bài 1: Know Your Number - Biết con số của bạn
Hôm trước, trong group mình tham gia có một bài viết chia sẻ về kế hoạch về hưu của một thành viên. Bạn có nói là financial advisor của bạn nhận xét là vợ chồng bạn đã đi đúng hướng. Đi chậm hay nhanh cũng được, miễn là đúng hướng. Do đó, khi nghe nhận xét ày, bạn thấy rất vui. Ai đi nhanh thì có thể về hưu sớm, ai đi chậm hơn thì về hưu đúng tuổi. Cũng có người sẽ phải làm việc thêm vài năm. Ai khởi hành sớm và đi đúng hướng thì có lợi thế vì tiền mà các bạn đầu tư sớm sẽ có thời gian để tích lũy và tăng trưởng.
Qua Mỹ này mình mới thấy tầm quan trọng của việc lên kế hoạch. Khi bạn xác định được mục tiêu, bạn sẽ có kế hoạch để thực hiện được nó. Khi các mục tiêu và kế hoạch được viết ra giấy, bày ra trước mặt thì bạn sẽ nhìn thấy công việc rõ ràng hơn, đầu óc cũng được rảnh rang hơn chút để tập trung cho các việc khác. Thế nhưng, với nhiều người, kế hoạch về hưu rất là mơ hồ, hoặc chung chung. Chằng hạn như: "Tới tuổi hưu thì nghỉ thôi". Hoặc "tôi muốn đi du lịch nhiều hơn". Khi các mục tiêu chung chung thế này, financial advisor sẽ phải hỏi thêm bạn nhiều câu hỏi để giúp bạn có mục tiêu rõ ràng hơn, sau đó mới có kế hoạch rõ ràng hơn.
Thế hệ trước đây chỉ việc an tâm đi làm vì về hưu họ sẽ nhận được lương hưu (pension) hoặc tiền hưu từ quỹ an sinh xã hội. Thế nhưng hiện nay, đa số các công ty không còn cung cấp lương hưu nữa, người đi làm phải tự để dành tiền thông qua các quỹ 401(k) hoặc 403(b). Quỹ lương hưu An sinh xã hội SSA thì cũng có nguy cơ không đáp ứng đủ nhu cầu cho người về hưu nữa.
Do đó, bạn về hưu thế nào là do khả năng của bạn.
Bạn có thể chọn không làm gì cả. Công ty trừ tiền thuế SSA hoặc Medicare thì cứ trừ đi, không quan tâm làm việc gì khác. Vậy thì khả năng là khi về hưu, bạn chỉ có thể sống dựa vào số tiền ít ỏi từ SSA. Tất nhiên vẫn có những chương trình hỗ trợ như Food stamp hoặc Medicaid.
Vẫn có những người khác muốn mình được về hưu thoải mái hơn. Có thể đi du lịch, làm các công việc theo ý thích, đi thăm con cháu, để lại tài sản cho con cháu, v.v... Họ làm việc cật lực, để dành tiền từ lúc trẻ, nhưng đến khi về hưu, chỉ sau một cơn bệnh, họ bỗng phát hiện tài sản mình tích lũy bao năm lại chỉ còn rất ít hoặc không còn gì.
Không phải nhóm người thứ hai không tiết kiệm, mà chỉ vì họ không có kế hoạch, họ không thấy được mình phải có kế hoạch nào để tích lũy tài sản hay bảo vệ tài sản khỏi những rủi ro trong cuộc sống.
Tom Hegna, tác giả quyển sách "Paycheck or playcheck" cho rằng "bạn không cần kế hoạch về hưu, mà bạn cần tiền". Bạn cần tiền để trang trải nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như tiền mua thức ăn, tiền trả điện ga nước, tiền đóng thuế nhà hoặc thuê nhà. Sau đó là các khoản tiền bảo hiểm xe, bảo hiểm nhà, bảo hiểm y tế. Có dư hơn thì mua sắm, dư thêm chút nữa thì đi du lịch, giải trí, dư dả hơn thì giúp con cháu. cái bạn cần làm là tính toán xem mình cần bao nhiêu tiền để về hưu.
Biết được con số, một con số cụ thể.
Có người nói là "tôi có 1 triệu đô là về hưu được". Và họ lên kế hoạch để tích lũy được 1 triệu đô. Thế nhưng nhiều yếu tố sẽ làm cho 1 triệu đô đó biến mất chỉ sau vài năm về hưu, và họ có thể sẽ sống trong nghèo khổ ở tuổi già.
Do đó, chúng ta sẽ xác định con số là "income needs"- thu nhập bạn cần.
Giả sử trong điều kiện lý tưởng (không thuế, không lạm phát, v.v...), bạn cần 40 ngàn đô 1 năm để chi tiêu cho nhu cầu hàng ngày. Nếu bạn đầu tư trong quỹ đầu tư với lãi suất 6.5%, thì bạn cần phải có hơn 615 ngàn đô trong tài khoản. Khi đó, trong điều kiện lý tưởng, 40 ngàn đô bạn cần là số lãi suất của 615 ngàn đô, bạn chỉ việc rút ra xài mãi mãi.
Đó là điều kiện lý tưởng. Khi lên kế hoạch thực tế, financial advisor sẽ phải thêm vào các yếu tố rủi ro, đề ra các biện pháp giúp giải quyết rủi ro ấy, v.v...
Như vậy, bước đầu tiên mà bạn cần làm là xác định được thu nhập cần thiết.
Hãy mở bảng thu chi của bạn ra mà xem. Các khoản chi tiêu thiết yếu (thức ăn, quần áo, nhà cửa, hóa đơn điện nước), các khoản bảo hiểm xe, nhà, y tế rồi mới tới các khoản giải trí.
Nhiều người tin rằng khi về hưu, chi phí tiêu xài của họ sẽ giảm rõ rệt vì không còn nợ nhà, con cái đã lớn, các khoản tiền cần tiết kiệm cho về hưu cũng ngưng. Thế nhưng có người lại nhận nuôi thú cưng, lại mua thêm tàu và gia nhập câu lạc bộ tàu thuyền. Hãy nhớ lại xem, thời điểm mà bạn tiêu xài nhiều nhất là vào lúc nào? Có người tiêu tiền nhiều vào cuối tuần vì họ gặp bạn bè, đi ăn uống ở nhà hàng. Và khi về hưu, hầu như ngày nào cũng là cuối tuần. Có khả năng là bạn sẽ tiêu xài nhiều hơn so với trước khi về hưu. Thống kê quốc gia thì người Mỹ khi về hưu thì tiêu xài ít hơn, nhưng xét về riêng lẻ, có gia đình tiêu xài nhiều hơn so với trước khi về hưu, nhất là trong 10 năm đầu tiên.
Có financial advisor cho rằng bạn cần khoảng 70% thu nhập trước khi về hưu (pre-retirement income) để tính ra con số thu nhập cần thiết khi về hưu (t-retirement income). Thế nhưng con số này chỉ là để tham khảo. 2 người cùng thu nhập nhưng có nhu cầu về hưu khác nhau thì cần số tiền khác nhau. Người muốn về hưu được đi du lịch thế giới sẽ cần nhiều tiền hơn người chỉ muốn đi tình nguyện khi về hưu.
Do đó, biết con số cụ thể của mình là một việc quan trọng. Con số chi tiêu hiện tại là bao nhiêu? Với khoản chi tiêu ấy, bạn hiện tại đã có thể đi du lịch chưa? Nếu chưa đủ, vậy thì bạn cần có một khoản đầu tư khác dành riêng cho du lịch.
Ngoài ra, chi phí y tế khi bạn lớn tuổi cũng sẽ tăng cao.
Khi biết được thu nhập cần có khi về hưu thì bạn sẽ dễ dàng tính toán đầu tư. Bạn cần bảo đảm số tiền bao nhiêu cho chí phí ăn uống. Quỹ du lịch có thể được đầu tư mạo hiểm hơn, vì nếu thị trường có xuống, bạn sẽ không bị tổn thương.
Hình từ bộ lao động. Số liệu vào năm 2013 nhưng vẫn có thể nhìn thấy, tuổi trên 75, khoản chi tiêu đã nhiều hơn thu nhập. (nguồn ở đây)
Ngân Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét