Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Câu chuyện tháng 2/2023

 

You can read the February newsletter here.

Xin chào bạn,

Như đã hứa, câu chuyện tháng 2 này sẽ trả lời câu hỏi của một khách hàng, "Liệu tôi có nên mua I bonds không?"

Để trả lời rốt ráo câu hỏi này, bạn vẫn phải đọc một bài dài thoòng như thường lệ. 😉

Mấy bữa trước, mình có dịch một đoạn trong quyển sách "The Truth About Money- Everything You Need to Know About Money" ấn bản lần thứ 4 của tác giả Ric Edelman. Mình thích cách giải thích dễ hiểu của tác giả nên đã dịch ra một đoạn. Bạn có thể đọc bài này về Bonds và Stocks trước khi đọc tiếp vào I bonds. 

Bonds - dịch ra tiếng Việt là trái phiếu. Bonds là chứng khoán cố định.

Stocks- dịch ra tiếng Việt là cổ phiếu. Stocks là loại chứng khoán biến thiên. 

Mình xin phép giữ nguyên chữ "Bonds", "I bonds", "Stocks", "CDs" trong bài viết này để đỡ gây nhầm lẫn ngữ nghĩa. 

Investopedia 


Những điều cần biết trước khi quyết định mua I bonds

Theo Ric Edelman, bonds được nhà đầu tư dùng để đem lại mức thu nhập cố định. Chính phủ liên bang, hay tiểu bang hoặc doanh nghiệp cần vay vốn thì có thể phát hành Bonds. Người mua Bonds thực ra là người cho vay tiền, do đó, bên phát hành có nhiệm vụ phải trả lãi suất cố định và sau đó là trả lại tiền gốc khi đến hạn.

CDs - Certificate of Deposite - dịch qua tiếng Việt là chứng chỉ tiền gửi. Xét về bản chất, CDs cũng là Bonds bởi vì khi bạn mua chứng chỉ, tức là bạn đã cho ngân hàng vay số tiền ấy. Sau thời hạn ghi trên chứng chỉ, ngân hàng trả lại cho bạn tiền gốc và lãi suất.

I bonds cũng là bonds. 

Tính thanh khoản - The Street

Tính thanh khoản của I bonds

Khi bạn mua I bonds rồi thì trong vòng 12 tháng đầu, bạn không thể bán để lấy lại tiền. Do đó, trong năm đầu tiên này, I-bonds không có tính thanh khoản. Vì vậy, chỉ nên dùng số tiền mà bạn có thể không cần dùng đến trong 1 năm để mua I bonds.

I bonds có thời hạn 30 năm. Nếu bạn bán I bonds trước 5 năm thì bạn sẽ bị trừ lại 3 tháng lãi suất. 

Do đó, I bonds không nên là nơi để bạn cất tiền dự phòng khi khẩn cấp. 

Lãi suất của I bonds

I bonds là một trong các chứng khoán được phát hành bởi Chính phủ Mỹ, được phân loại là trái phiếu tiết kiệm. Bạn chỉ có thể mua được I bonds từ trang web Treasury Direct chấm gov

I bonds xuất phát từ chữ I cho inflation - lạm phát. I bonds là trái phiếu tiết kiệm liên kết với tỉ lệ lạm phát. Như vậy, bạn có thể yên tâm rằng giá trị của I bonds không đổi qua thời gian.

Lãi suất của I bonds là sự kết hợp của 2 loại lãi suất:

- một lãi suất cố định 30 năm được xác lập vào thời điểm bạn mua I bonds. Lãi suất cố định này không cao, chỉ từ 0% cho đến 0.5%. Lãi suất cố định hiện nay là 0.4%.

- một lãi suất biến thiên được thiết lập mỗi 6 tháng dựa theo sự thay đổi của Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI).

Bởi vì lãi suất lạm phát cho I bonds từ tháng 11 năm 2022 là 3.24% nên lãi suất tổng hợp của I bonds từ tháng 11 năm 2022 đến tháng 4 năm 2023 là 6.89%. Bạn có thể xem cách tính của lãi suất kết hợp ở đây.

U.S Inflation Calculator


Để so sánh, CDs có kỳ hạn 6 tháng đang có lãi suất từ 3.8 đến 4.5%. Dựa vào con số lãi suất này, nhiều người thấy rằng I bonds hiện giờ tốt hơn CDs nhiều. Tuy nhiên, để so sánh chính xác thì không thể dựa vào chỉ một con số lãi suất được.

Thuế thu nhập tiểu bang

CDs và I bonds được đánh thuế khác nhau, do đó để so sánh chính xác, đồng dạng thì bạn cần tính tới taxable-equivalent yield -tỉ lệ chịu thuế tương đương của I bonds.





Bạn phải trả thuế thu nhập liên bang và tiểu bang cho lãi suất của CDs mà bạn nhận được mỗi năm trong khi lãi suất của I bonds được miễn thuế thu nhập tiểu bang.

Nếu như bạn sống ở tiểu bang có đánh thuế thu nhập thì I bonds được coi là tax-free (miễn thuế) trong khi CDs vẫn bị đánh thuế thu nhập tiểu bang-taxable. Như vậy, lãi suất 4.5% của CDs được coi là lãi suất trước thuế, trong khi lãi suất 6.89% của I bonds là lãi suất sau thuế.


Bảng Google Sheet mình chạy để so sánh CDs và I bonds

Mình sống ở tiểu bang Virginia, do đó mình sử dụng thuế suất của tiểu bang để tính. Với thu nhập hiện nay, thuế suất tiểu bang của mình là 5.75%. Lãi suất của I bonds hiện nay là 6.89%. Như vậy, khoản đầu tư trước thuế phải có lãi suất 7.31% thì mới tương đương với I bonds 6.89%.

Nói cách khác, CDs có kỳ hạn 6 tháng phải có lãi suất cao hơn 7.31% thì mới có lợi hơn I bonds. Trong tình hình hiện nay, I bonds có lợi hơn.

Cần lưu ý là lãi suất của I bonds sẽ được thiết lập mới mỗi 6 tháng. 

Nếu tháng 5 năm 2023 này, lãi suất của I bonds là 3.54% (mình lấy ví dụ này vì đây là lãi suất từ tháng 5 tới tháng 10 năm 2021 của I bonds), và lãi suất của CDs có kỳ hạn 6 tháng vẫn còn giữ mức 4.45% thì mình nên mua CDs vì taxable equivalent yield chỉ có 3.76%. Và bởi vì mình không thể bán I bonds trước 12 tháng, cho nên mình không thể nào linh động chuyển số tiền đó qua mua CDs được. Như vậy, ở kỳ hạn 6 tháng lần thứ hai này, mình nhận được lãi suất ít hơn so với mình mua CDs. Lần này CDs có lợi hơn.



Thuế thu nhập liên bang

Lãi suất từ I bonds sẽ bị đánh thuế thu nhập liên bang theo mức thuế thu nhập của bạn.

Nếu như thuế suất cận biên của bạn là 22% thì lợi nhuận bạn kiếm được từ I bonds cũng bị đánh thuế 22%.

Bạn được quyền chọn đóng thuế mỗi năm hoặc hoãn lại nhiều năm cho tới khi bạn bán I bonds.

Bạn có thể tránh đóng thuế thu nhập liên bang bằng cách dùng tiền thu hồi I bonds để chi trả cho các chi phí giáo dục bậc cao đạt chuẩn như học phí cao đẳng, lệ phí và máy tính. Như vậy, chúng ta sẽ hoãn đóng thuế cho đến khi nào chúng ta rút tiền ra.

Vì yếu tố này nên nhiều người cho rằng bạn nên dùng I bonds như là phương tiện tiết kiệm thuế và để dành tiền học phí cho con. Theo mình thấy thì I bonds chỉ nên được xem là một gói tiết kiệm bổ sung song song với các sản phẩm tài chính khác bởi vì chi phí ăn ở tại ký túc xá, chi phí đi lại và chi phí mua sách không được tính là chi phí giáo dục đạt chuẩn của I bonds. Do đó, nếu bạn dùng tiền từ I bonds để chi trả những khoản này, bạn sẽ phải đóng thuế trên lợi nhuận thu được từ I bonds.

Ngoài ra, để được miễn thuế lợi nhuận từ I bonds này khi dùng để đóng tiền học cho con, bạn phải thỏa mãn đầy đủ 6 điều kiện được liệt kê trong Treasury Direct

Để bài đỡ dài, mình chỉ liệt kê 3 yếu tố quan trọng nhất:

- Giới hạn thu nhập của năm

Số tiền này được IRS công bố mỗi năm. Năm 2023, nếu bạn có thu nhập trước thuế MAGI - modified adjusted gross income- thấp hơn $137,800 thì số tiền bạn rút ra từ I bonds để chi trả học phí sẽ được hoàn toàn miễn thuế.

Nếu bạn có thu nhập từ $137,801 đến $167,800, số tiền được miễn thuế sẽ giảm dần.

Nếu bạn có thu nhập nhiều hơn $167,800, bạn không được miễn thuế.


taxnotes

-Người phụ thuộc trên tờ khai thuế

Nếu như thu nhập MAGI của bạn thỏa mãn điều kiện, bạn cũng chỉ có thể dùng số tiền đó để chi trả học phí giáo dục bậc cao cho bạn, vợ/chồng bạn, con cái hoặc người mà bạn liệt kê là "người phụ thuộc" trong tờ khai thuế của bạn. 

Như vậy, ông bà sẽ không thể dùng tiền rút ra từ I bonds để chi trả cho học phí của cháu nếu như tên của cháu không nằm trên tờ khai thuế dưới phần "người phụ thuộc".

- Giới hạn độ tuổi vào thời điểm mua I Bonds

Người có tên trên I bonds dùng để đóng học phí phải từ 24 tuổi trở lên vào thời gian mua I bonds.

Mình thấy nhiều người được khuyên là nên mua I bonds cho tất cả thành viên trong gia đình, ví dụ như 2 người lớn, 2 em bé có 4 số SSN thì có thể mua được tối đa $40,000 I bonds. 

Tuy nhiên, với quy định về giới hạn độ tuổi này, nếu bạn mua I bonds cho con dưới 24 tuổi, tên của con trên I bonds đó, thì I bonds này sẽ không thỏa mãn điều kiện trên. Cho dù nhiều năm sau này, khi hơn 24 tuổi, con bán I bonds để dùng tiền đóng học phí thì con vẫn không được miễn thuế. 

Như vậy, nếu bạn muốn áp dụng lợi thế miễn thuế cho chi phí giáo dục này, bạn phải mua I bonds và đăng ký bằng tên của mình chứ không phải tên của con.



Toán không nói dối

Tóm lại, I bonds có phải là phương tiện tốt để tiết kiệm cho giáo dục không?

Mình vẫn phải dựa vào các con số để phán đoán.

Giả sử là mình bắt đầu mua I bonds vào năm 2011. Cứ mỗi 6 tháng là mình mua $2,500 I bonds không ngưng nghỉ, không thay đổi số tiền. Và mình dùng các lãi suất trong lịch sử của I bonds để tính toán.

Tất nhiên vẫn còn một số yếu tố biến thiên mà mình vẫn chưa tính được, nhưng con số này vẫn không chênh lệch nhiều lắm.

Bạn có thể nhìn vào hình mình chụp ra từ Google Sheet của mình.



Sau 11 năm, tổng số vốn mình bỏ ra là $55,000. Tổng giá trị I bonds mình có vào tháng 11 năm 2022 là $91,089. Có vẻ như đây là khoản đầu tư tốt.

Thế nhưng sau 11 năm, tỉ lệ lạm phát đã làm giảm đi sức mua của $55,000. Mình đã dùng máy tính CPI Inflation calculator trên mạng để tính thì $55,000 vào năm 2011 (để đơn giản nên mình đã gộp lại) thì tương đương với $74,716 vào năm 2023. Học phí cao đẳng cũng tăng mỗi năm. Và mình muốn số tiền mình tiết kiệm nhiều năm vẫn có giá trị tương đương để có thể không bị thiếu hụt học phí của con. 

Average annual Tuition from 2010 to 2020
Education Data 

Nếu như thuế suất năm 2023 của mình là 22%, thu nhập MAGI của mình dưới $137,800 vậy thì số tiền $91,086 từ I bonds có thể dùng để đóng tổng học phí 4 năm học cho con mình vào năm 2023 và hoàn toàn không phải đóng thuế liên bang. 

Mình chỉ giả định như vậy cho dễ đánh giá chứ học phí có thể sẽ ít hơn và bạn chỉ nên rút vừa đủ số tiền đóng học phí để được lợi thuế tối đa. Chẳng hạn như học phí $10,000 thì bạn chỉ cần bán I bonds vừa đủ số tiền đó thôi.

Nếu trừ $74,716 (tương đương với $55,000 vào năm 2011) thì mình lời $16,373 sau 11 năm. Không tệ, đúng không?

Nhưng nếu như mình không thỏa mãn điều kiện miễn thuế, thì mình phải đóng số tiền thuế là $6,840 cho 11 năm hoãn thuế. Vậy mình vẫn còn lời $9,533.

Điều này vẫn tốt.

Thế nhưng nhìn lại, mình đã quên 2 điều.

Mình không thể rút toàn bộ $91,089 này bởi vì mình không được bán I-bonds mà mình mua và giữ chưa được một năm. Như vậy mình chỉ có thể bán các I bonds mình mua trước tháng 5 năm 2022, tức là mình có thể rút ra khoảng $72,958 - giá trị của I bonds vào tháng 11 năm 2021. Số tiền này còn ít hơn số tiền $74,716 là giá trị thực của $55,000 sau 11 năm.

Điều thứ hai, các I bonds mình bán mà chưa đủ 5 năm sẽ bị trừ ngược lại 3 tháng lãi suất. Mình chưa tính được cụ thể là bao nhiêu sẽ bị trừ ra từ $72,958 này.

Như vậy, nếu bạn bỏ lơ lạm phát, bạn sẽ thấy mình có lời.

Nhưng nếu tính lạm phát vào, bạn sẽ thấy mình không có lời gì cả. 

Tỉ lệ lạm phát được coi như là tên ăn cướp làm tiền của bạn mất giá trị. Nhiệm vụ của I bonds cũng chỉ là để bảo vệ tiền mà bạn để dành không bị mất giá trị mà thôi. 

Và đúng là I bonds chỉ nên dùng để tiết kiệm tiền học phí cho con để tiết kiệm tiền thuế. Còn nếu bạn dùng nó để cất tiền về hưu thì số tiền của bạn sẽ bị 2 con thú ăn tạp là tỉ lệ lạm phát và thuế ngoạm gần hết.

Nếu như bạn không biết mình nên đầu tư vào đâu, I bonds có thể là một lựa chọn tạm ổn để giữ tiền nhàn rỗi của bạn không bị mất giá trị. Nhưng chỉ khi nào bạn mua và duy trì I bonds trên 10 năm thì mới có thể phát huy được lãi suất kép trong I bonds mà thôi. Với mình, tất cả các khoản đầu tư cần được duy trì ít nhất 10 năm để lãi suất kép có thời gian làm cho tiền của bạn tăng trưởng.

Tất nhiên, bạn có thể không muốn rút một số tiền lớn như mình đã làm. Rút số tiền nhỏ vừa đủ cho học phí của con mỗi năm có thể giúp bạn được miễn thuế tối đa, và việc này cũng cần tính toán chiến lược.

Bạn có thể dùng đường dẫn Google sheet này của mình để nhìn các con số cho rõ hơn. Bạn có thể copy về Google sheet của bạn và thay đổi các con số bạn muốn. 

Mình hy vọng bài viết dài dòng đầy số liệu của mình có thể giúp bạn tự quyết định được liệu có nên mua I bonds không và dùng cho việc gì.

Nếu bạn có câu hỏi hoặc góp ý, cứ thoải mái nhắn tin hoặc gọi điện cho mình nhe.

HaLe, CRPC™

Milky Way Retirement

P/S: Bấm vào đây để mỗi tháng nhận được Câu chuyện như thế này nhé

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

Bond và Stock là gì?

Nhân dịp viết bài về Bond, mình xin phép được dịch lại một phần nhỏ trong quyển sách "The Truth About Money" - 4th edition của tác giả Ric Edelman. 

Mình thích cách giải thích đơn giản của ông. 

ây cũng là nền tảng cho mình hiểu hơn về các phương tiện tài chính khác.

--

Phần II- Hiểu về Thị trường Tư bản

Tổng quan - Trong Tất Cả Các Chủ Nghĩa, Chúng Ta Là Chủ Nghĩa Tư Bản.

Một xã hội có thể tồn tại dưới nhiều hình thái. Có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít, và nhiều loại chủ nghĩa khác, vài chủ nghĩa trong số đó tôi không giả vờ rằng mình hiểu. Ở Mỹ, chúng ta vận hành dưới hình thái chủ nghĩa tư bản, và dù bạn thích hay không, bạn có đồng ý hay không, thì bạn phải tận dụng quy luật của mình nếu như bạn định thành công trong xã hội này.

Dưới chủ nghĩa tư bản, chính phủ và doanh nghiệp cần tư bản (tiền/vốn) để đạt được mục tiêu của họ. Nhiệm vụ đầu tiên là phải có được vốn, vì nó cho phép họ tiến tới mục tiêu của họ - dù là mục tiêu xã hội, chính trị hay tài chính.

Doanh nghiệp và chính phủ gây vốn bằng cách in và bán các chứng chỉ, mà họ tuyên bố là các chứng chỉ này có giá trị và đáng giá để bạn mua. Giống như mấy đứa con nít ngây thơ, chúng ta tin họ. Niềm tin này là thiết yếu, bởi vì không tin như thế thì hệ thống kinh tế của chúng ta sẽ sụp đổ. (Bây giờ thì bạn biết thứ mà người ta đo lường trong Khảo sát Niềm tin Người tiêu dùng - Consumer Confidence Survey: lòng tin vào nền kinh tế của chúng ta.)


Ngày nay các chứng chỉ cổ phần bằng giấy thế này không còn nữa, nhưng một số lại có giá trị sưu tầm. 

Tất cả các chứng chỉ, dù được phát hành bởi doanh nghiệp hay chính phủ, đều được cho rằng có giá trị bởi vì các chứng chỉ (bắt buộc) sẽ làm một trong hai việc này:

- tạo ra thu nhập

hoặc

- tăng trưởng về giá trị.

Vậy thôi. Toàn bộ thế giới tư bản, thị trường tài chính của chúng ta, và Wall Street đều có thể thu nhỏ lại thành hai tiền đề cơ bản này. Nó đơn giản như vậy thôi.

Để có thể nhìn thấy khái niệm này vận hành trong thế giới thật như thế nào, chúng ta hãy cùng đến chợ. Nó bắt đầu với quá trình sản xuất. Ví dụ như một công ty sản xuất ra một sản phẩm. Sau đó nó bán sản phẩm đó cho một nhà phân phối, rồi nhà phân phối (bán) nó cho nhà bán lẻ, rồi nhà bán lẻ lại bán cho bạn-người tiêu dùng. Cuối cùng, bạn có thể làm một trong 4 việc sau với sản phẩm ấy:

-bạn xài nó

-bạn quyên tặng nó

-bạn bán yard sale

-bạn vứt nó

Một trong bốn việc này đều xảy ra với mỗi sản phẩm bạn mua.

Chương 5 - Quá Trình Sản Xuất

Bạn có thể thấy quá trình này trong hầu hết các ngành. Ví dụ như, trong bất động sản, một nhà phát triển (a developer) mua đất, xin giấy phép phân vùng, xây đường và hệ thống cống thoát nước, và sau đó bán các gói đó cho công ty xây dựng (builders).

 Công ty xây dựng cất nhà và sau đó thuê nhân viên địa ốc (real estate agents) để bán nhà cho người tiêu dùng (đây gọi là thị trường nhà mới). Và người tiêu dùng sau đó bán lại nhà thông qua thị trường nhà có sẵn (existing home market).

Công ty xe hơi cũng làm như vậy: Một công ty sản xuất xe hơi làm ra xe và bán cho dealer-tức là nhà phân phối; dealer lại thuê nhân viên để bán xe cho khách hàng, rồi khách hàng sau đó lại bán xe cho một người khác thông qua thị trường xe cũ. 


Quá trình sản xuất - Ric Edelman

Công ty Mỹ cũng làm vậy, khi nó cần gây vốn. Ví dụ như một công ty lớn cần 100 triệu đô la để xây nhà máy mới. Để có tiền (tức là vốn), công ty sản xuất (in ra) chứng chỉ và công bố rằng các chứng chỉ này có trị giá 100 triệu đô. Những chứng chỉ này có thể là chứng chỉ trái phiếu (bond certificates), hoặc cũng có thể là chứng chỉ cổ phiếu (stock certificates). 

Sau đó, công ty bán chứng chỉ cho cho công ty môi giới chứng khoán hoặc nhà phân phối.

Bằng cách đồng ý việc mua chứng chỉ từ công ty, công ty môi giới phải bán chúng. Để làm việc đó, công ty thuê nhân viên môi giới chứng khoán rao bán các chứng chỉ này cho các nhà đầu tư (người tiêu dùng). Quá trình này, được gọi là IPO- Initial Public Offering (dịch là: phát hành lần đầu ra công chúng), được thực hiện ở thị trường sơ cấp (hoặc thị trường đầu tiên) bởi vì đây là lần đầu tiên những chứng chỉ này được đưa tới khách hàng.

Nhà môi giới chứng khoán tiếp tục bán các chứng chỉ này cho đến hết. Nếu như bạn mua chứng chỉ và sau đó muốn bán nó, hoặc nếu như bạn không mua nó lúc mới phát hành nhưng sau này lại muốn mua, thì bạn sẽ mua các chứng chỉ này ở thị trường thứ cấp (hoặc thị trường thứ hai vì đây là lần thứ hai chứng chỉ được chào mời đến khách hàng). Thị trường này được gọi là stock exchange- giao dịch chứng khoán - nơi mà mọi người buôn bán (hoặc trao đổi) các chứng chỉ với nhau.

The New York Stock Exchange


Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (The New York Stock Exchange) là thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Nó cũng giống như một cái chợ bán đồ ăn, nhưg thay vì mua thức ăn, bạn mua chứng chỉ, và bạn cũng có thể bán chúng. Có vài thị trường thứ cấp khác ở Mỹ (gọi là exchange) như: the American Exchange,  the Philadelphia Exchange, the Denver Exchange, và nhiều hơn nữa. Trên thế giới hiện nay có 60 thị trường chứng khoán.

Có cả thị trường thứ ba nơi mà các chứng chỉ được mua bán điện tử. 

Và cũng có các thị trường khác dành cho trao đổi hàng hóa như dầu hỏa, thịt heo, đậu nành, và nước cam. The New York Mercantile Exchange và Chicago Board of Trade (CBOT) là hai thị trường lớn nhất trong số này. 

Người ta thường nói nhân viên môi giới chứng khoán và chuyên viên tư vấn tài chính làm trong ngành dịch vụ, nhưng điều này sai. Những người ở Wall Street bán sản phẩm, mỗi sản phẩm lại có một đặc điểm riêng, lợi ích, giá cả, và nguy cơ riêng - cũng giống như TV hoặc các sản phẩm khác.

Nhân viên chứng khoán thì bán chứng khoán (securities) trong khi nhân viên bảo hiểm thì bán hợp đồng. Cả hai đều là nhân viên kinh doanh bán sản phẩm để nhận hoa hồng. Nếu như bạn đến đại lý xe của Ford, thử đoán xem loại xe nào mà nhân viên sẽ bán cho bạn? Nó cũng giống như vậy với các công ty môi giới: nhà môi giới bán những thứ mà họ có trong kho. 

Station wagons

Hãy đối diện thử: Nếu một đại lý xe có 27 xe station wagon trong bãi xe, vậy thì họ sẽ thúc đẩy để bán được xe station wagons vào ngày ấy. Tương tự, nhân viên môi giới chứng khoán có hạn ngạch và dưới áp lực của quản lý để bán một số loại nhất định và theo số lượng quy định của sản phẩm mỗi ngày, mỗi tuần, và mỗi tháng.

Hai Loại Chứng Chỉ

Có 2 loại chứng chỉ: 

-Bonds (trái phiếu) - được coi như là thu nhập hoặc nợ;

- và Stocks (Cổ phiếu), cũng được coi là sự tăng trưởng và sở hữu. 

Nếu như công ty Acme Widgets phát hành chứng chỉ trái phiếu, công ty phải trả bạn lãi suất và cuối cùng là trả lại tiền cho bạn, nhưng công ty không cho bạn quyền kiểm soát, hoặc là quyền sở hữu của công ty.

Nếu như Acme phát hành chứng chỉ cổ phiếu, công ty không trả cho bạn lãi suất (còn gọi là cổ tức trong trường hợp này) hoặc không bao giờ trả lại tiền cho bạn, nhưng bạn trở thành một cổ đông (sở hữu), và vì vậy, bạn và những cổ đông khác đã mua cổ phiếu có quyền kiểm soát công ty. 

Ric Edelman (hình 2-2)

Nếu như bạn là Acme và cần gây vốn, bạn sẽ phát hành loại chứng chỉ nào?

Giống như nhiều khía cạnh trong thế giới tiền bạc, câu trả lời là: Tùy. Trong trường hợp này, câu trả lời phụ thuộc vào Acme đang cố gắng đạt được gì. Đây là lý do vì sao công ty này phát hành cổ phiếu trong khi công ty khác phát hành trái phiếu - và tại sao nhiều công ty phát hành cả hai. Hãy nhìn lại hai loại chứng chỉ này.

Nếu như bạn là người giữ trái phiếu (bondholder), thì tức là bạn là người cho vay. Bạn cho Acme mượn tiền. Bạn không quan tâm Acme lời hay lỗ. Miễn là Acme vẫn còn kinh doanh, bạn sẽ nhận được một số tiền lãi nhất định và bạn sẽ nhận lại số tiền của mình vào ngày được quy định trước (gọi là maturity date - ngày đáo hạn). Nếu như Acme vỡ nợ, bạn được xếp hạng cao trong danh sách các chủ nợ trong phiên toà phá sản. Thật vậy, kế tiếp IRS và nhân viên của Acme, người giữ trái phiếu là các chủ nợ xếp hạng cao nhất.

Ngược lại, người giữ cổ phiếu (stockholder) là một người chủ công ty. Bạn không biết bạn sẽ lời hay lỗ bao nhiêu tiền và không có một ngày cụ thể cho ngày bạn lấy lại được vốn. Nếu Acme không làm ra tiền, bạn cũng không có tiền, và nếu Acme phá sản, thì bạn cũng vậy. Nếu như Acme khai phá sản, bạn xếp hạng thấp nhất trước tòa án phá sản.

Thành phố San Bernardino, CA tuyên bố phá sản vào tháng 7 năm 2012.

Tất cả các khoản đầu tư đều là vốn chủ sở hữu (equity) hoặc là nợ, mặc dù thỉnh thoảng có vẻ không phải vậy. Wall Street trả nhiều tiền cho nhiều người để tạo ra các bao bì đầy sáng tạo cho các sản phẩm này. Ngày nay, bạn có thể tìm thấy hàng tá loại đầu tư khác nhau, nhu trong hình 2-3. Nhưng trong phân tích cuối cùng, chúng về cơ bản đều là nợ hoặc vốn chủ sở hữu - giống như một cái station wagon vẫn là một cái xe hơi.

Ric Edelman- hình 2-3


Bạn đã bao giờ nghe câu ngạn ngữ, "Rủi ro càng nhiều, phần thưởng càng nhiều"? À, nó không đúng đâu. Thay vào đó, khi bạn chấp nhận rủi ro nhiều hơn, chắc chắn tất cả bạn nhận được là nguy cơ cao hơn; không có bảo đảm nào là bạn sẽ nhận được lợi nhuận nhiều hơn. Đúng, bạn nhận được tiềm năng cho lợi nhuận nhiều hơn, nhưng mà chỉ vậy thôi - tiềm năng.

Sự thật là nếu một người nào đó chào mời bạn một khoản đầu tư mà hứa hẹn rằng sẽ nhận được lợi nhuận hơn các loại khác, bạn có thể chắc chắn rằng sẽ có độ rủi ro càng cao hơn đi cùng với nó. Khi chúng ta khám phá các loại đầu tư trong quyển sách này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn các nguy cơ này. 

Vậy CD là gì?

(a) một cổ phiếu (a stock)

(b) một trái phiếu (a bond)

(c) không phải cổ phiếu cũng không phải trái phiếu.

Hãy suy nghĩ thử xem. CD (Certificate of Deposit) có lãi suất được ghi rõ, có ngày đáo hạn, và số tiền bạn nhận được không phụ thuộc vào lợi nhuận của ngân hàng. Vì vậy, CD là bond- trái phiếu. 

--

Bạn có thể đọc thêm nhiều hơn ở sách "The Truth About Money - Everything You Need to Know About Money" 4th edition của Ric Edelman. 

Dịch bởi Ha Le, CRPC™

My blog about personal finance in Vietnamese and in English. 

Survivor benefit is taxed but how much?

 Em gái 34 tuổi, có con gái 4 tuổi. Chồng mất năm 2021. Hiện tại em nhận được $2,166/ tháng cho hai mẹ con từ SSN (2 mẹ con số tiền bằng nha...