Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Câu chuyện tháng 12/2022

Chúc mừng năm mới tới bạn và gia đình!

Có một câu chúc bằng tiếng Anh làm mình có cảm giác quen quen, "Out with the old, in with the new!". Cái cũ ra đi, cái mới đến! 

Cuối cùng mình nhớ ra câu "Tống cựu nghênh tân" hay tiễn cái cũ đi, nghênh đón cái mới. Lúc đầu mình tưởng đây là câu chúc, nhưng hóa ra là một tập tục trong Tết Nguyên đán ở Việt Nam, diễn ra sau khi cúng ông Táo.  Đó là lúc mọi người dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa và bản thân để nghênh đón cái mới và may mắn cho năm mới. 

Source
 

Năm mới 2023 này, bạn dự định tiễn cái cũ nào đi và nghênh đón cái mới nào?

Mình xin chia sẻ câu chuyện cá nhân vậy.

Bản thân cũ của mình - là người ngẫu hứng, không có kế hoạch gì hết. Ngay cả khi ra trường, đi làm rồi thì lịch làm việc sẽ quyết định một ngày của mình. Lúc ấy mình là giáo viên tiếng Anh. Ngày nào có lịch dạy sớm thì mình thức sớm, ngày nào dạy trễ thì mình ngủ nướng. Hết công việc thì mình để cảm xúc dẫn dắt mình đi. Mình có thể lang thang một buổi chiều ở tiệm sách hoặc ở nhà đọc sách. Hoặc mình có thể hẹn bạn bè và "tám tám" để giải tỏa áp lực.

Mình cũng không có kế hoạch là phải kiếm bao nhiêu tiền, đi thăm thú mấy nơi, hay phải đọc bao nhiêu quyển sách. Mình cứ đi theo dòng chảy mà cuộc đời đưa đến cho mình thôi.

Là giáo viên tiếng Anh, mình có dịp dạy sinh viên mình về truyền thống của người phương tây - New Year's Resolution. Cứ năm mới là mỗi người lại đề ra mục tiêu mới cho năm. Và cho dù đã ở Mỹ hơn 10 năm, mình vẫn thấy Mục tiêu Năm mới vẫn khá mới mẻ với mình. 

Mục tiêu năm mới của bạn có giống như hình không?


Tình trạng vẫn như vậy khi mình có con. Lịch ăn ngủ chơi của con quyết định một ngày của mình. Mình không có mục tiêu cho mình hay cho con. Cá nhân thì nghĩ cứ đợi con đủ tuổi đi học thì mình sẽ quay lại đi học, đi làm. 

Thực hành yoga không nằm trong kế hoạch của mình (vì mình có kế hoạch đâu?). Thế nhưng khi nằm trên giường mấy ngày vì bị cụp cột sống, mình đã nhận ra không ai có thể giúp mình khỏe hơn ngoài bản thân mình cả. Phải, cuộc đời đã ném cho mình bài học về sức khỏe và mình phải hành động nhanh. Mình rất muốn sống thật khỏe mạnh để nhìn con lớn lên. Kể từ đó, sức khỏe là ưu tiên hàng đầu của mình nhưng sức ì của bản thân vẫn rất lớn.

Năm rồi, cô giáo yoga tặng mỗi học viên món quà nhỏ và một tấm thẻ nhỏ ngẫu nhiên. Tấm thẻ của mình ghi là, "Bạn là những gì bạn LÀM, không phải những gì bạn nói bạn sẽ làm".


Mình giật mình. Hồi nào giờ thì mình cho rằng bản thân là người làm nhiều hơn nói. Hmm, nhưng cũng có thể cái thẻ này đúng. Để kiểm chứng thì mình đã viết ra Mục tiêu năm mới và đăng lên trang Facebook cá nhân của mình.

Thế là mình đã thử một điều mới trong năm vừa qua- viết Mục tiêu và thực hiện. Nhưng làm sao biết được mình đã trở thành một người mới tốt hơn, cho dù chỉ là 1% tốt hơn?

Và khi nhìn lại thì mình thấy hơi khó đánh giá vì phân nửa mục tiêu của mình khá mơ hồ, chẳng hạn như "hoàn thành CRM để quản lý dữ liệu".


Hình chụp từ facebook của mình.

Những việc mà mình hoàn thành được là những mục tiêu có con số cụ thể xác định thời gian và số lượng. Lấy ví dụ như mục tiêu hoàn thành chứng chỉ CRPC (chứng chỉ về tư vấn về hưu) có thời gian hoàn thành (tháng 5), do đó mình đã cố gắng đạt được.

Có mục tiêu nhìn có vẻ dễ dàng như "Đọc sách mà con giới thiệu" thì lại khó đánh giá bởi vì mình đã không ghi rõ là sẽ đọc bao nhiêu quyển sách.

Mình đã rút ra được bài học nên cũng chia sẻ ở đây nếu bạn có ý định xác định Mục tiêu cho năm mới. Khi xác định mục tiêu, hãy nhớ SMART Goals- Mục tiêu Thông minh.

S- Specific- Cụ thể: ai, việc gì, ở đâu, khi nào, tại sao.

M- Measurable: Có thể đo lường được. Bạn không thể phát triển thứ mà bạn không thể đo lường.

A- Actionable/ Achievable: có tính thử thách nhưng không quá sức, trong khả năng thực hiện được.

R- Realistic/ Relevant: Thực tế, không quá xa vời, gắn liền với sứ mệnh (nếu có) hoặc mục tiêu lớn.

T- Time-bound/Timed: Một thời gian để xác định việc hoàn thành.

Source

"Đọc sách" là một mục tiêu có thể thực hiện được (Actionable)và thực tế (Realistic), nhưng lại không đo lường được (thiếu Measurable) và không có thời gian cụ thể (Time-bound). Nếu như mình chuyển thành "Tôi đọc 1 quyển sách mà con giới thiệu mỗi tuần" (tức là 52 quyển) thì câu này sẽ thỏa mãn tiêu chí SMART Goals.

Tương tự như vậy, nếu mục tiêu tài chính là "tiết kiệm $12,000 năm nay" thì mục tiêu sẽ thực tế và có thể thực hiện được nếu như bạn chia nhỏ ra bằng những con số nhỏ hơn. $12,000 một năm tức là $1,000 mỗi tháng, hoặc là $500 tiết kiệm mỗi 2 tuần. Con số này đã có thể thực hiện được chưa? Nếu chưa thì bạn nên hạ thấp mục tiêu hơn một chút.

Nếu như bạn nghĩ bạn có thể tiết kiệm $500 mỗi 2 tuần, bạn nên trừ ngay số tiền $500 từ mỗi ngân phiếu mà bạn nhận được mỗi 2 tuần, và thiết lập chế độ tự động chuyển khoản từ tài khoản ngân hàng của bạn $500 sang tài khoản tiết kiệm vào một ngày cố định. Việc này tương tự như việc để chế độ tự động thanh toán hóa đơn điện nước hoặc bảo hiểm từ tài khoản ngân hàng của bạn vậy.

Source

Do đó, mục tiêu của bạn có thể là "Thiết lập chế độ trừ tiền tự động $500 mỗi ngân phiếu trong vòng 12 tháng." Tài khoản bạn càng có ít tiền thì bạn sẽ càng có nhiều lần dừng lại suy nghĩ xem đó là món bạn cần hay món bạn muốn trước khi quyết định mua nó.

Một số người tiết kiệm tiền bằng cách mua sắm ít hơn, giảm chi phí giải trí, hay nấu ăn ở nhà nhiều hơn

Một số khác tiết kiệm bằng cách tiết kiệm bắt buộc (forced saving), giống như cách trừ tiền tự động mà mình có nhắc ở trên. Nó cũng tương tự như số tiền bạn quyết định đóng góp vào quỹ hưu 401(k) ở công ty. Khi bạn đã thiết lập bạn sẽ đóng bao nhiêu tiền, thì công ty sẽ tự động trừ số tiền ấy ra trước khi chuyển khoản lương của bạn vào tài khoản. Bạn có thể áp dụng cách này để ép buộc bản thân tiết kiệm nhiều hơn.

Tất nhiên, có nhiều người có thể làm thêm công việc thứ hai để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, bạn kiếm thêm nhiều tiền thì bạn càng nợ thuế thu nhập nhiều hơn cũng như những chi phí phát sinh khác khi làm thêm công việc thứ hai. Sức khỏe của bạn cũng bị tiêu hao khi bạn làm việc nhiều hơn và nghỉ ngơi hồi phục ít hơn. Vì vậy bạn hãy cân nhắc các điểm có lợi và bất lợi của công việc thứ hai. 

Source

Năm mới này, mình vẫn tiếp tục vạch ra mục tiêu để trở nên mới hơn và tốt hơn. Năm 2023 này được dự đoán sẽ khó khăn hơn nhiều so với thời điểm năm 2020. Và khi bên ngoài rối loạn, thay vì bị cuốn vào thì mình muốn quay trở về bên trong để duy trì năng lượng. 

Các mục tiêu năm mới của mình được phân loại và xếp hạng theo mức độ từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất:

- Vì một sức khỏe tốt hơn,

- Vì một gia đình gần gũi hơn,

- Cho sự nghiệp của mình,

- Mục tiêu tài chính của bản thân,

- Vì một cộng đồng tốt hơn.

Bạn thì sao? 

Bạn sẽ lập một mục tiêu cho riêng mình? 

Hay là bạn chọn một việc gì mới để thực hiện?

Và bạn có quyết tâm thực hiện việc mà bạn muốn làm không?

Hình dưới đây là thẻ thông điệp cô giáo dạy yoga vẽ trên gỗ và đính kèm vào quà tặng học viên mỗi Giáng sinh. Học viên chọn quà ngẫu nhiên nên thông điệp cũng ngẫu nhiên thôi. Thông điệp là: "Hướng đi quan trọng hơn rất nhiều so với tốc độ. Có người đi nhanh nhưng không điểm đến."

Direction is so much more important than speed.
Some are going nowhere fast.

Mình chúc bạn và gia đình một năm mới nhiều sức khỏe, may mắn và hạnh phúc và đạt được điều mong muốn. 


Ha Le, CRPC™

Bạn có thể đọc lại các bài viết trong năm (ngoài Câu chuyện Mỗi tháng) ở trên blog Người Việt về hưu của mình. 

Hoặc đăng ký nhận Câu chuyện mỗi tháng bằng cách bấm vào đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Survivor benefit is taxed but how much?

 Em gái 34 tuổi, có con gái 4 tuổi. Chồng mất năm 2021. Hiện tại em nhận được $2,166/ tháng cho hai mẹ con từ SSN (2 mẹ con số tiền bằng nha...