Vụ ngân hàng SVB- ngân hàng được Forbes xếp loại trong các ngân hàng tốt nhất- bị sụp đổ, làm mình lại nhớ tới quyển sách "The Truth About Money" của Ric Edelman. Sách này mình cũng có nhắc tới trong một số bài blog trước.
Trong sách, Ric Edelman cũng nhiều lần đề cập đến CDs, tiền gửi ngân hàng, FDIC. Nhiều người cất tiền ở nhà, hoặc gửi ngân hàng cho an toàn. Cất tiền ở nhà thì không an toàn rồi, nhưng gửi tiết kiệm ở ngân hàng cũng không phải là an toàn luôn.
Có người nói, "Tôi muốn tiền của mình an toàn"
Ric Edelman hỏi, "An toàn khỏi cái gì?"
--
Trước khi mình dịch tới cái phần trên này, thì mình xin copy lại các bài dịch của mình ở trang Facebook "Bảo hiểm cho Người Việt" mà mình tạo ra năm 2020. Lúc đó mình cũng dịch được vài chục trang, sau này bận quá nên ngưng lại.
Lúc ấy chưa có kinh nghiệm về tài chính nhiều, nên đọc sách nào thấy hay và hữu ích thì mình đều muốn dịch ra tiếng Việt. Nhiều người Việt ở Mỹ đã lâu vẫn cảm thấy khó khăn khi đọc sách tiếng Anh. Còn bạn nào đọc tiếng Anh tốt thì mình khuyến khích đọc tiếng Anh để thấy văn phong hài hước của tác giả nhé. Còn nếu giúp mình dịch được vài trang tâm đắc thì càng tốt nè.
Á, mình copy lại thì các chữ ấy đều bị tô trắng hết. Trời ạ, phải ngồi gõ lại ư?
Quyển sách được in năm 2010 nên trong quá trình dịch, mình cũng sẽ update một số số liệu cho phù hợp.
--
PHẦN 1: GIỚI THIỆU VỀ HOẠCH ĐỊNH TÀI CHÍNH
Khái Quát: 12 Lý Do Bạn Cần Lên Kế Hoạch
Cách đây 40 năm, ngành nghề hoạch định tài chính còn không tồn tại, nhưng hôm nay, hàng trăm ngàn người tự nhận là chuyên gia hoạch định tài chính (có vài người thực sự là đúng). Nhưng liệu hoạch định tài chính có thật sự cần thiết không?
À, có. Và đây là 12 lý do tại sao mà bạn cần lên kế hoạch.
Lý do số 1: Để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi các nguy cơ tài chính
Hãy chú ý từ tài chính. Là một người hoạch định tài chính, tôi (tác giả) không thể bảo vệ bạn khỏi các nguy cơ mà bạn sẽ gặp trong cuộc đời- không người hoạch định tài chính nào làm được- nhưng tôi có thể bảo vệ bạn khỏi phải chịu sự thất bại tài chính vốn là kết quả của hững nguy cơ tài chính trở thành hiện thực.
Những nguy cơ ấy là gì?
5 nguy cơ chính là mất việc, bị thương tật, bị bệnh, tử vong, và kiện cáo; và bạn có thể học cách quản lý và giảm thiểu tác động của các nguy cơ ấy ở Phần 7 và phần 11.
Kiện cáo ư? Tỉ lệ mà nhà bạn ở bị đốt cháy là 1 trong 1,200 - thế nhưng theo Forbes, tỉ lệ mà bạn bị kiện cáo (sue) trong đời mình là 1 trong 200 trường hợp. (Để biết cách bảo vệ mình khỏi bị đe dọa tài chính vì kiện cáo , hãy đọc chương 75.)
Lý do số 2: Để xóa nợ cá nhân
Đối với vài người, một mục tiêu phù hợp là trở thành không có giá trị. Nếu như bạn nợ rất nhiều từ thẻ tín dụng, nợ mua xe, và nợ học phí, việc trở thành không có giá trị sẽ là một bước phát triển thật sự. Bạn phải di chuyển từ nợ tiền "owing money" thành làm chủ đồng tiền "owning money" [khác nhau có mỗi chữ n thôi ạ].
Thật vậy, tổng nợ tiêu dùng ở đất nước này (ngoại trừ nợ vay mua nhà) đã vượt con số $2.5 nghìn tỉ theo số liệu của Federal Reserve. [Con số này vào năm 2022 là $16.90 nghìn tỉ.]
Khảo sát năm 2008 của Gallup Research là mỗi người Mỹ có 4 thẻ tín dụng, với số nợ trung bình là $3,848. [Con số năm 2022 ở trong hình dưới đây.]
Screenshot from Google March 15 2023 |
Bạn đã nghe về việc "hết tiền trước khi hết tháng," nhưng mà sẽ chẳng vui vẻ gì khi bạn hết tiền trước khi hết đời! Bạn phải đảm bảo rằng bạn không sống lâu hơn thu nhập của bạn, và điều đó có nghĩa là bạn phải tích lũy tài sản để bạn có thể có tiền xài trong suốt cuộc đời mình. Việc này không thể thực hiện nếu như bạn có nợ thẻ tín dụng hoặc các khoản nợ cá nhân, vì vậy bạn phải loại bỏ các khoản nợ. Chương 49 sẽ chỉ cho bạn cách.
Lý do số 3: Bởi vì bạn sẽ sống cuộc đời rất dài, rất dài
Vào thười điểm cuộc cách mạng Mỹ, tuổi thọ bình quân lúc sinh ra là 23 năm. Trước năm 1900, người Mỹ được dự đoán chỉ sống được tới tuổi 47. Vì vậy, xuyên suốt lịch sử Mỹ, nếu như bạn còn sống thì bạn còn làm việc; vì vậy không có thứ gọi là về hưu.
Thế nhưng ngày nay, bảng tuổi thọ bình quân được sử dụng ở các tổ chức khác nhau như IRS, các công ty bảo hiểm, Viện sức khỏe Quốc gia hay Trung tâm phòng chống dịch bệnh đều có cùng nhận định: Một đứa trẻ sinh năm 2007 sẽ có tuổi thọ là 77.9 năm; một người 75 tuổi hôm nay được dự đoán sẽ sống tới 86.8 tuổi; một người hiện nay 85 tuổi thì có thể sống tới 91.4 tuổi; và người 100 tuổi có thể sống đến 102.2 tuổi. Chẳng mấy chốc, phân nửa số người chết ở Mỹ là người 80 tuổi. Tuổi thọ bình quân thế này là một vấn đề lớn cho việc tại sao chúng ta phải lên kế hoạch.
Bạn bao nhiêu tuổi vào năm 2110?
Điều nực cười của tất cả các bảng tuổi thọ bình quân này là đều được giả định rằng tuổi thọ sẽ duy trì ở mức hiện tại. Thế nhưng các nghiên cứu cho rằng con người vẫn tiếp tục sống lâu hơn. Thật vậy, người 45 tuổi hôm nay có khả năng vẫn còn sống ở thế kỷ 22.
Tại sao những con số này quan trọng?
Để xác định bạn cần bao nhiêu tiền khi về hưu, bạn cần phải dự đoán được khoảng thời gian hưu trí đó là dài bao lâu. Dựa vào các dữ liệu tính toán cung cấp bởi nhiều tổ chức chính phủ, đa số các chuyên gia hoạch định tài chính giả định khách hàng của họ sống tới tuổi 90, và những nhà lên kế hoạch thận trọng (như công ty của tôi) thì dùng tuổi 95 (bởi vì bạn càng sống lâu thì bạn sẽ cần càng nhiều tiền). Chúng ta bây giờ càng suy xét đến khả năng đẩy tuổi thọ dự đoán của khách hàng lên tới 100.
Tuy nhiên, ngay cả những con số "thận trọng" như tuổi 95 có thể là thấp. Dựa vào những nghiên cứu gần đây của các ngành lão khoa, vi sinh học, công nghệ sinh học, nhiều người tin rằng vào năm 2050, con người có thể dứ đoán sống tới 140 tuổi. Không phải lỗi đánh máy đâu: đó là một trăm bốn mươi tuổi.
Điều này không phải là khoa học giả tưởng. Vào năm 2050, con của bạn vẫn có thể đang sinh con. Lấy ví dụ, vào năm 2050, tôi sẽ là 92 tuổi. Liệu tôi có thể sống được tới chừng ấy tuổi không? À, vậy là vẫn còn ít hơn bà tôi 9 năm đấy. Bà Fannie của tôi sinh năm 1899. Hãy nhìn thẳng vào thực tế: đối với nhiều người chúng ta, khả năng đó hoàn toàn có thể.
Hình 1-2 trong sách |
Nếu điều này vẫn chưa đủ làm bạn giật mình, vậy thì hãy thử cái này: hiện giờ nhiều dự đoán cho rằng rất nhiều người trong số chúng ta ở đây có thể nhìn thấy năm 2110. Và những hệ lụy cho xã hội sẽ làm bạn rối trí.
Hãy cùng quan sát kỹ hơn xem cuộc đời trường thọ sẽ có ý nghĩa nào nhé.
Bạn sẽ có nhiều cuộc hôn nhân
Trước tiên, bạn có thể sẽ có 4 hoặc 5 bạn đời trong suốt cuộc đời. Đối với các thuyết tương lai, điều này có vẻ không xa vời. Sau tất cả, chúng ta đều nghe thấy các thống kê được trích dẫn rằng phân nửa các cuộc hôn nhân đều kết thúc bằng ly hôn. Nghiên cứu của Cục Thống kê Hoa Kỳ cho thấy 58% phụ nữ trên 70 tuổi đều góa chồng vào một thời điểm nào đó- và rất nhiều trong số họ đã tái hôn. Vì vậy, chúng ta đã ở trong một xã hội đa hôn rồi. Nó sẽ nhiều hơn thôi. (Sau cùng, bạn có thể tưởng tượng được rằng mình kết hôn với một người ở tuổi 20 và vẫn sống với người ấy cho tới 120 năm sau không? Anh yêu, em yêu anh, nhưng mà...)
Bạn sẽ có nhiều sự nghiệp
Thứ hai, bạn sẽ có 5 hoặc 6 sự nghiệp. Bạn sẽ đi học, có một cái bằng, trở nên chuyên nghiệp ở ngành ấy, cống hiến bản thân cho nó khoảng 20 hoặc 30 năm, sau đó bỏ và bắt đầu lại từ đầu, làm một việc gì đó khác hoàn toàn.
Hàng triệu người về hưu, cảnh sát, lính cứu hỏa, và cả giáo viên đều đã làm như vậy. Họ "về hưu" ở tuổi 40 hoặc 50 với 20 hoặc 30 năm phục vụ và, với lương hưu mỗi tháng được gửi vào hộp thư, họ lại thẳng tiến tới thử thách khác. Chiến lược này sẽ càng phổ biến hơn trong thế kỷ này và cụm từ "double-dipper" (người nhận 2 thu nhập từ chính phủ) sẽ nhường chỗ cho "quintuple-dipper" khi người ta có năm hoặc sáu sự nghiệp 20 năm trong suốt cuộc đời. Khái niệm "về hưu" như chúng ta biết ngày nay sẽ nhạt đi. Để có nhiều thông tin hơn, đọc Rule 88 của The New Rules of Money.
Bạn sẽ kéo dài những nghi thức của cuộc đời
Khi cuộc đời kéo dài, các nghi thức của cuộc đời cũng vậy. Như mới đây vào năm 1960, kết hôn trước 20 tuổi là phổ biến; cụm từ "old maid"- "gái già" ám chỉ phụ nữ không kết hôn được trước tuổi 20. Bạn được kỳ vọng là có con (số nhiều) trước khi bạn 25 tuổi, Jerry Rubin bảo chúng ta không tin ai trên 30 tuổi, tuổi trung niên và khủng hoảng tuổi trung niên đến vào tuổi 45, và "người già" là 65 tuổi.
Cuộc đời của bạn hay của tôi là những ví dụ cho một thế giới mới dũng cảm: Người bạn cùng phòng ký túc xá với tôi trước kia không lập gia đình cho tới khi gần 50 tuổi; anh trai cả của tôi sẽ là 72 tuổi khi con gái út của anh tốt nghiệp trường y; một trong số các cháu của tôi có tới 3 người cha (một người cha ruột, một người cha hôn nhân, và một người cha pháp lý); cha của tôi từ bỏ việc về hưu 4 lần trước khi mất; và bà của tôi đã dự đám tang của 4 bác sĩ của bà trước khi bà mất ở tuổi 101.
Nếu như xu hướng hôm nay còn tiếp tục không suy giảm, năm 2050 sẽ có nhiều người kế hôn (lần đầu tiên) ở tuổi 50, có con ở tuổi 60 (ở Pháp đã có), đối diện tuổi trung niên ở tuổi 80, về hưu ở tuổi 120, và qua đời ở độ tuổi 140.
Những dự đoán này nhắc nhở chúng ta rằng hoạch định tài chính là một quá trình, chứ không phải là một sản phẩm. Một kế hoạch tài chính phải được xem xét lại định kỳ vì các giả định ban đầu bị thách thức và cần phải được thay đổi dựa trên những thay đổi của nền kinh tế và trường hợp cụ thể của bạn.
Một điểm chính yếu là sự thật rằng bạn có thể sống lâu hơn bạn hình dung. Nếu như bạn định về hưu ở tuổi 65 và giả định rằng bạn sẽ sống tới tuổi 95, tức là bạn đang giả định bạn có 25 năm về hưu. Nhưng nếu bạn sống tới 140 tuổi thì sao? Bạn có đủ thu nhập cho thời gian hưu trí kéo dài 75 năm không?
Cuối cùng thì ai sẽ trả cho tất cả khoản hưu trí đó?
Câu hỏi này đề ra một vấn đề xã hội bùng nổ mang tính chính trị hiện nay ở Mỹ - quyền được sống- sẽ trỗi dậy trong các cuộc tranh luận mới.
Vào thế kỷ 21, với nhiều người sống lâu hơn tài nguyên của họ và xã hội bắt buộc phải chi trả, nhiều người tranh cãi rằng những người mà không thể chăm sóc bản thân vào tuổi già, những người đang sống trong đau đớn và khổ sở, những người không có gia đình hay nhóm trợ giúp nào để dựa vào, và những người không có khả năng chi trả cho việc chăm sóc họ nên có cái quyền được chọn cái chết.
Ở ấn bản đầu tiên của quyển sách này, tôi đã dự đoán cái chết êm dịu sẽ chiếm vị trí trung tâm trong cuộc tranh cãi xã hội vào năm 2050 - và dự đoán đó đã biến thành hiện thực.
Vấn đề kết thúc cuộc đời đã tham gia vào cuộc tranh cãi chính trị vào năm 2009 khi Quốc hội thảo luận chuyện cải cách y tế. Cụm từ "death panel" trở thành một thuật ngữ phổ biến khi các chính trị gia tranh cãi về ý tưởng trả tiền cho bác sĩ để thảo luận về di chúc sống và các nguyện vọng y tế với bệnh nhân Medicare.
Cuộc tranh cãi này được hâm nóng sau khi vị nhạc trưởng người Anh lừng danh Sir Edward Downes, 85 tuổi, và vợ Joan, 74 tuổi, đi du lịch đến phòng khám hỗ trợ tự tử ở Zurich, Thụy Sĩ, để kết thúc cuộc đời họ cùng nhau - mặc dù cuộc sống của Sir Edward không có nguy cơ gì. Joan, một bệnh nhân ung thư, chỉ còn vài tuần để sống, và được nghe kể rằng Sir Edward không muốn tiếp tục sống mà không có vợ bên cạnh.
Cho dù bạn nghĩ gì về vấn đề này, cuộc tranh cãi đã bắt đầu, và sự nổi bật của nó trên sân khấu xã hội vẫn sẽ tiếp tục tiến triển.
Chào mừng bạn đến với thế kỷ 22. Tôi hy vọng bạn sẽ sẵn sàng.
Bạn chắc chắn là nhà triệu phú (theo kiểu nào đó)
Bạn đang làm ra tiền--và bạn sẽ tiếp tục kiếm ra tiền--một khoản thu nhập khổng lồ.
Lấy ví dụ một người 35 tuổi làm ra $6,000 một tháng. Cho dù không có tăng lương, đó là 2 triệu đô kiếm được của cả sự nghiệp!
Hình 1-3 trong sách |
Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ bạn làm ra được bao nhiêu tiền, mà ở chỗ bạn giữ được bao nhiêu tiền. Hãy nhìn số tiền mà cha mẹ và ông bà của bạn kiếm được trong sự nghiệp của họ. Họ còn lại bao nhiêu?
Bạn rất dễ dàng chỉ còn lại chút xíu trong suốt cuộc đời làm việc của mình, bởi vì bạn không giữ được tất cả số tiền mà bạn làm ra. Bạn có các chi phí - nhiều loại chi phí. Bạn có thể kể ra chi phí lớn nhất của bạn không?
Con cái!
Source |
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một em bé sinh năm 2008 sẽ tiêu tốn một gia đình có thu nhập cao là $483,750. Nhìn hình 1-4, ngay cả một gia đình thu nhập thấp hơn cũng sẽ tiêu tốn $210,340, trong khi các gia đình ở mức giữa cũng tiêu tốn lên đến $291,570. Đó là số tiền cho 1 đứa trẻ - và chỉ trong 17 năm đầu tiên! Để khám phá các vấn đề tài chính trong việc nuôi con, hãy xem chương 52.
Hình 1-4 trong sách |
Lý do số 5: Để chi trả cho Đại học
Bạn có thể đoán chuyện gì sẽ xảy ra khi con cái tới tuổi 18? Các con vào đại học.
Người ta dự tính là một em bé sinh năm 2010, thì chi phí học đại học vào năm 2028 sẽ cao hơn $250,000 cho trường của tiểu bang và hơn $500,000 cho trường đại học tư, theo College Board. Để biết cách hợp lý để tiếp cận chi phí đại học, hãy xem chương 51.
[Các con số hiện nay bạn có thể đọc ở đây.]
Hình 1-5 trong sách |
Lý do số 6: Để chi trả cho chi phí đám cưới
Hãy chuẩn bị sẵn sàng cho một chi phí chính khác nữa: Đám cưới! Theo trang web đám cưới TheKnot.com, chi phí trung bình là $28,385 (ngoại trừ tuần trăng mật) [$30,000 vào năm 2022]. [Con số trung bình này cũng khác tùy tiểu bang.]
Mặc dù cha mẹ bên đàng gái có truyền thống chi trả cho khoản này, nhưng ngày càng nhiều cô dâu chú rể và đàng trai cũng góp phần chi trả cho đám cưới.
Source |
Lý do số 7: Để mua xe
Giá trung bình của một chiếc xe mới là $28,082 [số liệu năm 2022 là $47,077] theo thống kê của National Automobile Dealers Association. Vì vậy, việc mua xe là một trong những quyết định tài chính lớn nhất mà rối rắm nhất của bạn - và là một việc mà bạn phải quyết định nhiều lần trong đời. Bạn nên trả bằng tiền mặt, chấp nhận khoản cho vay của đại lý, hay là thế chấp sở hữu nhà? Việc thuê xe có phù hợp với bạn không? Để biết câu trả lời, hãy đến chương 50.
Lý do số 8: Để mua nhà
Người Mỹ dành phần nhiều nhất trong thu nhập của mình cho nhà cửa. Thế nên, cách bạn xử lý việc mua nhà của mình sẽ có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến hầu như mọi mặt trong đời sống tài chính của bạn, bao gồm khả năng tiết kiệm, chi trả cho đại học, và kế hoạch về hưu. Vì lý do này, tôi dành cả năm chương (56-60) cho vấn đề này, và nó cũng được dùng để tham khảo ở các chương khác, bao gồm chương 49 về xóa nợ, chi trả đại học ở chương 51 và chi phí nuôi con ở chương 52.
Lý do số 9: Để có thể về hưu khi nào - và theo cách thức - mà bạn muốn
Hãy xem xét thức ăn. Giả sử bạn và bạn đời của bạn về hưu ở tuổi 65 và sống theo tuổi thọ bình thường là 83 tuổi, như vậy hai bạn sẽ ăn 39,420 bữa ăn trong suốt thời gian hưu trí! (Đó là 3 bữa ăn một ngày, 365 ngày một năm trogn suốt 18 năm cho 32 người.) Nếu mỗi bữa ăn tốn 5 đô la, bạn sẽ tốn $197,100 cho thức ăn. Số tiền đó đến từ đâu?
Đa số mọi người đều làm lơ thông điệp này. Trong số những người về hưu tuổi 65 hoặc muộn hơn, 30% có thu nhập dưới $15,000 một năm, theo thông tin của Social Security Administration. Tôi không nói rằng những người này không bao giờ kiếm được $15,000 một năm khi họ còn làm việc. Thế nhưng, thu nhập của họ tuột xuống $15,000 khi họ về hưu.
Chỉ có 20% người về hưu có thu nhập hơn $50,000 một năm. Nhưng đám đông không phải lên kế hoạch để thất bại. Đơn giản là họ thất bại trong việc lên kế hoạch, bởi vì theo truyền thống, lên kế hoạch là không cần thiết. Trước đây một công nhân và gia đình của anh ta sống thoải mái nếu anh ta về hưu ở tuổi 62 và sống dựa vào lương hưu và lương từ An sinh xã hội.
Việc này không còn nữa. Ngày nay, bạn không về hưu sớm ở tuổi 62 nữa - trừ khi bạn bị sa thải do giảm trừ số nhân viên hoặc bạn là công chức. Và không phải là bạn sẽ sống lâu hơn rất nhiều so với cha mẹ và ông bà của bạn sao? Vì vậy, số tiền của bạn phải kéo dài hơn. Và đó cũng là tình trạng khó xử: Nếu bạn thất bại trong việc lên kế hoạch, bạn phải đối mặt với khả năng thời gian hưu trí của mình trải qua sự nghèo khổ, sống nhờ vào phúc lợi xã hội, và từ thiện.
Nhiều người biện minh cho thất bại của họ bằng cách nói rằng họ dự định làm việc đến tuổi 70, nhưng thực ra có ít người làm được. Một khảo sát của Viện Nghiên cứu Phúc lợi Người lao động cho thấy 21% công nhân dự định về hưu ở tuổi 70 hoặc muộn hơn, nhưng chỉ có 5% thực sự làm vậy. Vấn đề sức khỏe bắt buộc 40% phải về hưu sớm, 18% khác dừng làm việc để chăm sóc cho thành viên trong gia đình. Điều đó cho thấy người ta có những mong đợi không thực tế khi về hưu và không biết cách nào để đạt được mục tiêu của họ. Một điều chắc chắn là: Sự về hưu an toàn không tự nhiên mà đến. Việc này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và sự chú ý. Phần X sẽ giúp bạn.
Lý do số 10: Để trả tiền cho chi phí chăm sóc dài hạn
Những thế hệ trước không cần phải lo lắng đến chi phí của việc chăm sóc dài hạn, nhưng chúng ta phải lo: Trong số những người đạt 65 tuổi, 40% sẽ trải qua ở viện dưỡng lão và 70% sẽ cần sự chăm sóc dài hạn ở một thời điểm nào đó, theo Cơ quan thanh toán Quốc gia về Thông tin Chăm sóc dài hạn của Bộ y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ.
Chi phí trung bình hằng năm ở viện dưỡng lão là $74,000, theo khảo sát Chi phí chăm sóc của Genworth năm 2009; cả bảo hiểm y tế lẫn Medicare đều không chi trả cho chi phí này. [$108,400 theo khảo sát Genworth 2021.] Kết quả: một số lượng lớn người già hiện nay đang sống nhờ vào người khác bởi vì họ không có tiền để chăm sóc bản thân. Có thể xem chương 73 để biết thêm về việc này.
Lý do số 11: Để chăm sóc người thân lớn tuổi
Đừng ngĩ rằng mình chỉ cần chuẩn bị chi phí chăm sóc cho bản thân mình là đủ. Gia đình chịu trách nhiệm cho 80% việc chăm sóc người già ở Mỹ, theo AARP, và đa số sự giúp đỡ đó là về tài chính. Gần 30% con cái đóng góp tài chính cho việc chăm sóc cha mẹ, giúp đỡ mọi thứ từ các chi phí y tế không được bảo hiểm chi trả cho đến chi phí thức ăn, theo khảo sát của Pew Research Center. Nhiều người phải chịu gánh nặng này khi đang nuôi con nhỏ, tạo ra một "thế hệ bánh mì kẹp", được dự đoán là khoảng 34 triệu người. Đọc thêm ở chương 54.
Lý do số 12: Để chuyển giao tài sản cho thế hệ sau
Việc này còn khó hơn trước kia, bởi vì sống lâu hơn có nghĩa là càng ngày càng có khả năng bạn sẽ xài hết tiền trước khi bạn có cơ hội truyền nó lại cho thế hệ sau.
Các nhà kinh tế học gọi việc này là sự chuyển giao của cải. Theo lịch sử, tiền được truyền từ cha đến con trai. Việc này bắt đầu với tổ tiên di dân của chúng ta, những người xây nhà và có con cái. Khi những đứa con kết hôn, chúng vẫn ở chung nhà với ba mẹ. Rồi những đứa con lại có con, tạo nên 3 thế hệ trong một ngôi nhà. Khi gia đình ngày càng mở rộng, mỗi thế hệ lại xây thêm phòng mới, tăng kích cỡ - và giá trị - của tài sản gia đình.
Khi thế hệ đầu tiên mất đi, thế hệ thứ hai thừa hưởng căn nhà, sau đó lại chuyển qua cho thế hệ kế tiếp, và với mỗi thế hệ thì càng ngày càng sung túc hơn thế hệ trước.
Điều này không còn xảy ra ngày nay nữa. Chúng ta không có 3 thế hệ sống trong cùng một nhà như trước kia. Ngày nay, khi ông bà mất, chúng ta có khuynh hướng bán nhà của họ đi bởi vì chúng ta có nhà riêng của mình và không cần nhà của họ.
Hơn nữa, chúng ta nhận ra ông bà của chúng ta sống thọ hơn nhiều so với trước đây - lâu hơn chúng ta mong muốn - đến nỗi họ thường tiêu hết tài sản và không còn gì để lại cho con cái của họ. Vì vậy, thay vì truyền tài sản xuống cho con cháu, thì bây giờ con cháu lại gửi ngược tiền lên cho cha mẹ. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, sự chuyển giao tài sản lại đi theo hướng ngược lại, và các nhà kinh tế học lo lắng rằng đa số người Mỹ không chuẩn bị cho sự thực này. Học cách tránh vấn đề này bằng cách đọc Chương VII.
Với tất cả những lý do này - để bảo vệ khỏi rủi ro; để xóa nợ; bạn sẽ sống một cuộc đời trường thọ; để giải quyết các chi phí như nuôi con, chi phí học đại học và đám cưới; để mua xe và nhà; để chu cấp cho một hưu trí thoải mái; để bảo vệ tài sản không bị thâm hụt do chi phí chăm sóc lâu dài; để chăm sóc người thân đang già đi; và để truyền lại tài sản cho con cháu- mà bạn cần phải tạo ra một kế hoạch tài chính.
Ric Edelman - dịch bởi HaLe, CRPC™
,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét