LONG-TERM CARE LÀ GÌ?
Người Việt Nam mình khi nghe chữ "long-term care", dịch là "chăm sóc lâu dài" thì nghĩ rằng đó là dịch vụ y tế, chăm sóc trong thời gian dài khi người nào đó bị bệnh. Phần dịch vụ này là medical.
Nhưng khi học và đọc nhiều, mình thấy chữ "long-term care" thực ra chính là sự dưỡng lão mà văn hóa tứ đại đồng đường mà người châu Á hướng tới cả ngàn năm nay.
Sự bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa dẫn đến nhiều cái thuật ngữ được dịch trực tiếp thì ra nghĩa này mà thực tế lại là một sự kiện khác.
Người châu Á thường thích gia đình tứ đại đồng đường, hoặc ít hơn là gia đình 3 thế hệ. Đó là một mô hình gia đình ổn định mấy ngàn năm bởi vì yếu tố kinh tế. Lực lượng lao động chính trong nhà là độ tuổi 18 đến 60. Trẻ nhỏ trong nhà thường được người già trông nom khi họ còn sức khỏe. Khi người già đến độ tuổi gần đất xa trời, con nít nhỏ trong nhà lại giúp người lớn trông nom trong khi người lớn đi làm.
Cũng như gia đình mình lúc nhỏ, dù mình có đi nhà trẻ thì ông bà ngoại vẫn chăm chút cho ăn uống hay giấc ngủ nên ba mẹ cứ yên tâm đi làm về trễ. Bà ngoại nấu cơm, ông ngoại thì đi đón cháu ngoại ở trường về. Sau này ba mẹ chuyển nơi làm việc qua tỉnh khác, bà ngoại lại đi theo ba mẹ để giúp con cái trông nhà cửa và con cái trong thời gian đầu, còn ông ngoại vẫn ở với cậu mợ. Sau này ba mẹ ổn định thì bà ngoại lại trở về.
Khi gia đình mình về thăm thì ông ngoại đã lẫn. Em họ con của cậu cứ lâu lâu lại chạy đi kiếm ông ngoại vì ông ngoại đã lẫn, hay đi ra ngoài rồi đi lạc. Mợ thì cũng chỉ buôn bán ở gần nhà trong khi cậu đi làm thợ hồ ở xa. Mợ buôn bán về thì nấu cơm nhưng em họ đi học về là trông chừng ông ngoại.
Sau này ông ngoại ngày càng lẫn. Mẹ mình về chăm ông ngoại mấy tháng. Khi gần vào năm học, mẹ vì sốt ruột chưa lo được quần áo sách vở cho con cái nên sắp xếp quay về nhà. Vừa quay lại một tuần thì ông ngoại mất, mẹ không về kịp để nhìn mặt ông ngoại lần cuối, năm đó mình 13 tuổi.
Bà ngoại mình vẫn khỏe mạnh. Sau này học Đại học, mình vẫn thường về quê thăm ngoại mỗi lần được nghỉ. Ngoại vẫn nấu cơm, giặt đồ được, nhưng có lần ngoại té khi đi chợ. Thế là ngoại mới chịu đến ở với gia đình mình. Ngoại vẫn tự tắm rửa giặt đồ của ngoại. Lúc ngoại bị trượt chân té, ba mẹ đều đi làm, em trai đang ở nhà đã bế ngoại đi xe tới bệnh viện. Lúc tay bị băng bột, ngoại mới để mẹ hoặc mình (được nghỉ về nhà chơi) tắm cho. Thế nhưng từ đó thì nhà mình không thể để ngoại ở nhà một mình được. Ngày mình lập gia đình, chỉ có ba mẹ theo xe đưa dâu, còn em trai mình vẫn ở nhà trông chừng bà ngoại, nấu cơm và cùng ăn cơm với ngoại.
Mình lấy ví dụ của gia đình mình để suy ngẫm về "long-term care". Sau khi về hưu, ông bà ngoại khỏe mạnh và giúp đỡ con cháu nhiều năm. Ông ngoại mình vẫn đạp xe đi về quê trong ngày. Ông bà vẫn tự chăm lo ăn uống vệ sinh cá nhân bình thường. Đây là giai đoạn đầu tiên trên hình, khi người trên 65 tuổi hoàn toàn tự do về thời gian, có thể hưởng thụ quãng thời gian nghỉ ngơi sau một đời lao động. Có người vui vầy với con cháu. Có người đi du lịch, có người tập trung vào sở thích. Giai đoạn này Michael Stein, tác giả quyển sách "The Prosperous Retirement" gọi là "Go-go years", những năm đi nhanh.
Source: Kitces |
Nhưng những năm sau "Slow-Go Years", khi bắt đầu sức khỏe yếu đi, người già đôi khi cần sự giúp đỡ của người thân trong gia đình. Họ có thể đi du lịch ít hơn. Họ có thể không chăm sóc vườn tược nhà cửa thường xuyên được như trước kia. Có thể việc đi bác sĩ cũng cần người thân chở đi chứ họ không tự đi được nữa. Có người thì không tự đi chợ hay nấu ăn được như trước kia, nhưng họ vẫn tự chăm sóc được bản thân.
Ở giai đoạn này, nhiều người bắt đầu cần các dịch vụ gọi là custodial care.
Custodial care- google dịch là “chăm sóc trông nom”. Đây là sự chăm sóc không liên quan gì đến y tế nhưng vẫn cần thiết, ví dụ như người già cần giúp đỡ khi tắm, mặc đồ, đỡ ra khỏi giường, đút ăn, trông chừng khi đi ra ngoài, v.v…
Khi cha mẹ già đi, sức khoẻ yếu, nhà tắm, cầu thang là những nơi nguy hiểm. Một cú té trong nhà tắm hay trên cầu thang là có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Thông thường, nếu con cái bận phải đi làm hoặc không sống chung thì phải thuê người trông nom. Có khi dịch vụ bao gồm luôn cả việc nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa.
Dịch vụ này có thể được Medicaid chi trả nếu như người ấy ở viện dưỡng lão. Medicaid ở một số bang có thể không chi trả nếu người ấy sử dụng dịch vụ này ở nhà.
Source |
Custodial care có thể được thực hiện tại nhà do người thân đảm nhiệm.
Có người không thích phụ thuộc con cái thì có thể chuyển đến "assisted living facilities". Người già vẫn có thể ở trong căn hộ riêng biệt nhưng họ có được người đến giúp đỡ để dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thức ăn, đem đồ đi giặt. Hoặc họ có thể đến nhà hàng trong khu để ăn uống. Khu có thể có lớp hoặc các câu lạc bộ để mọi người sinh hoạt chung.
Assisted livings facilities, có người gọi là "nhà già". Cụm từ này có thể dễ nhầm lẫn với nursing homes - người Việt đều coi 2 nơi này là viện dưỡng lão. Tuy nhiên, nursing homes thường dành cho người đã còn rất ít khả năng tự vận động, ví dụ như người bị suy giảm trí nhớ, người phải ngồi trên xe lăn, hoặc phải nằm trên giường.
Source |
Giai đoạn No-Go years, người già cần sự chăm sóc y tế của người chuyên nghiệp như y tá, bác sĩ, còn gọi dưới cụm từ là "skilled care"- dịch vụ chăm sóc y tế do người được đào tạo bài bản (skilled or licensed personnel).
Skilled care tất nhiên sẽ mắc hơn custodial care. Con cái có thể thuê y tá, hộ lý để chăm sóc nếu như cha mẹ cần chăm sóc y tế mà không cần đến bệnh viện, chẳng hạn như vật lý trị liệu, băng bó thay vết thương, truyền nước biển, v.v…
Medicaid sẽ chi trả, tuỳ mỗi bang mà có quy định khác nhau.
- Hospice care: nhiều người hiểu lầm hospice care với long-term care. Họ nghĩ là một người điều trị ở bệnh viện, sau đó được đưa qua trung tâm hồi sức hoặc chăm sóc đặc biệt vài tháng thì cho rằng đó là long-term care.
Hospice care là chăm sóc cho người bệnh ở giai đoạn cuối đời. Họ không trị hết bệnh mà chỉ làm giảm đau đớn của người bệnh.
Medicare part A sẽ chi trả cho Hospice care dưới một số điều kiện quy định và trong thời gian ngắn.
Sẽ có người còn lầm lẫn giữa Medicare, Medicaid. Thêm bang California gọi tên chương trình Medicaid của bang là Medi-Cal làm nhiều người càng hiểu lầm thêm.
Medicare, Medicaid là chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ. Còn 3 chữ “care” mình kể ở trên là các dịch vụ y tế được phân loại để bảo hiểm quyết định có chi trả hay không.
Như vậy, bạn có thể hiểu Long-Term care là tất cả các dịch vụ chăm sóc cho người già khi họ bước vào giai đoạn "Slow-go", khi sự tự lập của người lớn tuổi giảm dần do yêu tố sức khỏe hoặc tuổi tác. Phổ biến nhất, Long-term care được hiểu là các dịch vụ giúp cho người lớn tuổi thực hiện các hoạt động thường ngày như Ăn uống (Eat), Tắm rửa (Bath), Mặc quần áo (Dress), Sự không tự chủ tiêu tiểu (Incontinency), Đi vệ sinh (Toilet), Di chuyển (Moving/ Transfer). Hoặc đối với người bị chứng bệnh suy giảm trí nhớ thì cần người chăm sóc và bên cạnh 24/24 giờ.
Và với tình hình hiện nay, khi con cái thường là thế hệ bánh mì kẹp, vừa phải chăm sóc cha mẹ lớn tuổi, vừa phải chăm sóc con cái còn đi học thì việc chuẩn bị kinh phí cho Long-term care sẽ giúp con cái nhẹ gánh về tài chính lẫn tâm lý và sức khỏe.
Bạn nghĩ bạn có thể chuẩn bị bao nhiêu cho dịch vụ Long-term care này?
Ha
Le, CRPC™
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét