Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Câu chuyện tháng 10/2022

 


English version is here.

Happy Halloween!

Chào mừng các bạn đến với Milky Way Afternoon Brew, Câu chuyện Mỗi tháng mà Hà gửi tới khách hàng thân yêu và bạn bè của mình.

Tháng 10 này, ngay từ đầu tháng là mấy em bé nhỏ đã háo hức nghĩ tới mình sẽ mặc đồ hóa trang nào để đi xin kẹo, còn một số người lớn cũng hào hứng trang trí căn nhà của mình cho có vẻ ghê rợn. Halloween trong truyền thống của phương Tây thực ra là để tưởng nhớ và trân trọng những người đã mất.

Thời hiện đại này, chúng ta đã ít sợ hãi những câu chuyện về hồn ma trong đêm Halloween. Chúng ta coi đó là một dịp vui vẻ, người lớn cũng thích hóa trang thành nhân vật mình thích, có người tổ chức tiệc Halloween, hay sau khi dắt con đi xin kẹo về thì người lớn cũng ăn lén kẹo của con nữa. Những hành động này thực ra chỉ là một trong những cách chúng ta ăn mừng cuộc sống.


Thực ra khi trong gia đình có một người ra đi, ngoài thời gian đau buồn thì việc sắp xếp lại đồ đạc của người đã mất là một công việc "cực khổ" và có thể gọi là đau lòng. Có người đã tốn thời gian cả một năm hoặc hơn để chia tay với những món đồ để lại của người đã mất. 

Nếu bạn cảm thấy mình không có sức lực để làm những việc này, thì những người còn sống sẽ có cảm giác thế nào? Việc chúng ta không để lại một đống hỗn độn cũng giúp người thân có nhiều thời gian để tiêu hóa nỗi đau buồn. 

Mới sáng nay, sau khi lôi đồ mùa đông ra và cất đồ mùa hè, mình cũng nhận ra mình có quá nhiều đồ. Rồi nhìn mớ chỉ len mình mua để móc áo lạnh mà chưa có thời gian đụng tới, hay mấy thùng vải mình mua để may đồ... Thiệt là kinh khủng cho người nào giải quyết mớ đồ này của mình. Nếu như mình có thể liệt kê, dán nhãn hoặc phân loại ra thì người thân của mình sẽ dễ dàng quyết định việc quyên tặng hay bỏ đi.


Những ý tưởng về việc sắp xếp lại mọi thứ trong đời đều từ quyển sách In Case You Get Hit by a Bus-How to Organize Your Life Now for When You're Not Around Later by Abby Schneiderman và Adam Seifer với Gene Newman. 

Mình nghĩ tới mớ đồ của mình trong closet, nhưng nhóm tác giả cũng là người sáng lập ra Everplans thì đề nghị bạn nên bắt đầu với việc sắp xếp mật mã trước và chia sẻ mật mã với người bạn tin tưởng trong gia đình. Bạn có thể có sự ưu tiên khác, tuy nhiên bạn có thể tham khảo danh sách các thứ cần sắp xếp dưới đây để không bị bỏ lỡ việc nào.


Thứ nhất là sắp xếp mật mã- password. 

Thời buổi công nghệ hiện đại, nếu nói bạn có ít nhất 100 mật mã chắc cũng ít người phản đối. Mỗi nhãn hiệu mình mua đồ là mình lại có một tài khoản và mật mã. Có người ghi nhớ mật mã trong đầu, có người ghi ra sổ, nhưng bạn cũng có thể dùng một  quản lý mật mã để nó nhớ giùm bạn tất cả các mật mã. Bạn chỉ còn việc nhớ một mật mã chính mà thôi, tất nhiên là với một khoản phí nhất định. 

Ngoài ra, bạn cũng sẽ có khoảng 5 tài khoản quan trọng nhất mà bạn cần nhớ mật mã như mật mã vào tài khoản email (Gmail, yahoo), điện thoại (Apple hoặc Samsung), online banking, Cloud-based Storage, và Cryptocurrency (nếu bạn có).

Ngoài ra bạn cũng cần mật mã cho những thứ không-online như mật mã ATM, khóa điện tử, wi-fi, cửa vào ga-ra, hệ thống an ninh hay mật mã két sắt. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không chia sẻ mật mã cho người thân và sau đó bạn đi xa?

Source: amazon book

Thứ hai là sắp xếp giấy tờ định vị nhân thân. Nhóm tác giả thử thách xem chúng ta có thể tìm được các giấy tờ sau đây trong vòng 10 phút hay không:

  • Giấy khai sinh
  • Giấy tờ xác nhận quốc tịch/ thẻ xanh/ visa
  • Bằng lái xe/ thẻ định danh mà không phải bằng lái xe
  • Thẻ định danh trong quân đội (nếu có)
  • Hộ chiếu
  • Thẻ an sinh xã hội
  • Thẻ nhân viên
  • Bằng tốt nghiệp trung học
  • Bằng tốt nghiệp Đại học (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, v.v...)
  • Giấy chứng nhận trong tôn giáo
  • Chứng chỉ nghề nghiệp
  • Giấy tờ nhận con nuôi
  • Giấy đăng ký kết hôn
  • Án lệnh ly hôn
  • Giấy tờ xuất ngũ (nếu có)

Một số giấy tờ trên đây chỉ có ý nghĩa kỷ niệm, nhưng một số đem lại phúc lợi cho gia đình bạn khi cần. Chẳng hạn như người nhà sẽ không lấy được giấy chứng tử nếu họ không có số thẻ an sinh xã hội của bạn, và nếu không có giấy chứng tử thì sẽ không yêu cầu bồi thường từ bảo hiểm nhân thọ được.


Việc thứ ba cần sắp xếp là tiền

Tiền không chỉ là tiền mặt trong túi của bạn mà nó rải rác khắp nơi ở nhiều dạng. Tiền của bạn có thể đang ở dạng thanh khoản như trong tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng, hay là tiền mặt bạn giấu đâu đó trong nhà, một số lại là tài sản của bạn như nhà đất, tài khoản đầu tư, tài khoản về hưu, của cải (vàng bạc, xe cộ), và kể cả hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của bạn.

Sắp xếp tất cả các loại tiền bạn có sẽ giúp bạn nhìn thấy được tổng thể tình hình tài chính của mình. Danh sách các loại tài sản mà bạn đã liệt kê sẽ giúp cho gia đình bạn biết nơi để xin bồi thường, hoặc cung cấp phúc lợi cũng như làm cho quá trình chứng thực di chúc trước tòa được suôn sẻ.

Người mà bạn ủy quyền sẽ giúp bạn đóng lại tất cả tài khoản ngân hàng hay tài khoản mua bán trên mạng và chuyển tài sản qua người thừa hưởng khi bạn mất. Quan trọng là làm như thế thì không có tài sản nào của bạn sẽ không có người nhận. Theo thống kê thì các tiểu bang đang giữ 41 tỉ đô la "không người nhận" vì người thừa kế không biết gì về nó. Một số người sau khi phát hiện ra thì lại không thể có được giấy tờ để đòi lại

Vì vậy, nếu có thể thì bạn nên truy tìm lại tất cả tài sản của mình với những câu hỏi gợi ý sau:

  1. Tiền ở đâu? Tên ngân hàng nơi cất tiền tiết kiệm của bạn. Chứng từ nhà đất. Giấy tờ xe. Hợp đồng mua bán một tài sản nào đó. Nếu như tài khoản của bạn chỉ ở trên mạng, thông tin đăng nhập nên bao gồm mật mã.
  2. Có nên chia sẻ thông tin tài khoản hay số PIN không? Bạn có thể chia sẻ thông tin với người ủy quyền hoặc người bạn tin tưởng nếu bạn cảm thấy an toàn. 
  3. Thông tin liên lạc? Nếu như bạn có chuyên viên tư vấn tài chính hoặc người môi giới làm việc với tài khoản của bạn, bạn nên liệt kê thông tin liên lạc của họ bên cạnh tài sản. Nếu như đó chỉ là ngân hàng, thì tên ngân hàng là đủ.
  4. Giấy tờ liên quan? Mỗi tài khoản có đòi hỏi giấy tờ gì để tiếp nhận hay không?
  5. Giá trị của nó là bao nhiêu? Nếu đây là tài sản hữu hình như bộ trang sức quý giá hay bộ sưu tập tiền xu hiếm, bạn nên thông báo cho người bạn tin tưởng vị trí và giá trị của nó để nó không bị vứt đi mà người nhà không hay biết.


Bạn có thể bị hôn mê hay nằm một chỗ, nhưng người nhà có thể giúp bạn nộp hồ sơ xin cấp phúc lợi như lương hưu, an sinh xã hội, phúc lợi thương tật, phúc lợi thất nghiêp, niên kim, khoản cấp dưỡng hoặc chi phí nuôi con (nếu ly hôn), hay thế chấp ngược ngôi nhà. Bạn nên ghi chú kỹ các chi tiết về các phúc lợi sống này, nơi liên hệ, người liên lạc hoặc các chi tiết trên mạng.





Thứ tư là ngôi nhà của bạn. 

Mình đã chứng kiến người chị cắt tóc cho mình xoay xở một mình khi chồng của chị nằm hôn mê trong bệnh viện gần nửa năm trời. Chị thừa nhận là chị không thể chăm sóc nổi căn nhà, mà cũng không biết nhờ ai để giúp đỡ những việc mà chồng chị vốn làm khi anh còn khỏe mạnh.

Một phụ nữ có thể dựa vào chồng để chăm sóc căn nhà của họ, nhưng khi chồng không thể ở bên cạnh, cô ấy phải tự làm mọi thứ một mình. Người thuê nhà thì có thể đơn giản hơn, mọi thứ chỉ việc gọi người chủ cho thuê. Hãy xem thử danh sách các thứ có thể cần bảo trì trong nhà:
  • Nhà cửa nói chung: Điện, điện thoại, internet, đồ trang trí nội thất, hệ thống an ninh, hệ thống tự động, máy phát hiện khói và khí CO, lò sưởi.
  • Tầng hầm: hệ thống máy điều hòa, nước, máy giặt, máy hút ẩm. Nếu tầng hầm có mùi ẩm mốc thì sao? Có chuột bọ hay mối thì sao? Nền nhà có dấu hiệu nứt nẻ thì sao? Hệ thống ống cống thế nào? (Mình đã từng trải qua cảnh ống cống ngay cửa ga-ra bị bể. Toàn bộ chất thải trên nhà đều trào lên mặt đường. Lúc ấy ở nhà thuê nên chị gọi điện cho công ty quản lý, mà cũng cả tuần họ mới có người đến giải quyết.)
  • Nhà kho: Nếu như bạn có cất đồ ở nhà kho thuê, thì bạn nên ghi lại và chia sẻ thông tin về tên nhà kho, địa chỉ, số của kho, mã số khóa, chi phí hàng năm hoặc mỗi tháng để gia đình bạn có thể lấy đồ ra hoặc duy trì trả tiền để tránh bị phát mãi.
Nhà kho cho thuê để trữ đồ.


Thứ năm là các phương tiện di chuyển của bạn. Bạn có thể có xe tải, xay gắn máy, RV, xe chạy trên tuyết, máy cày hay thuyền, v.v... Cho dù bạn chỉ có 1 cái xe, bạn hãy làm như đã làm với ngôi nhà của bạn. Bạn ghi chú các chi tiết như bảng số xe, số đăng ký và tiểu bang đăng ký xe (và thời gian gia hạn) cũng như số VIN.
  • Bạn để phương tiện ở đâu? Nếu bạn sống ở thành phố và neo thuyền ở một cái cảng đầy thuyền thì sẽ khá phức tạp cho người nhà truy tìm chiếc thuyền của bạn.
  • Các phương tiện đó có hệ thống khóa số, chìa khóa hay mật mã không?
  • Có cần chăm sóc đặc biệt gì không?
  • Bạn có tình cảm đặc biệt gì với phương tiện đó để gia đình có thể quyết định giữ lại hoặc bán sau khi bạn rời đi không?
Bạn có bao nhiêu phương tiện di chuyển cho việc làm hay sở thích?

Cuối cùng là thông tin liên lạc. 

Đây có thể là thông tin quan trọng mà bạn muốn sắp xếp trước. 

Trong thời buổi công nghệ số, hầu như các cách liên lạc đều chủ yếu qua điện thoại. Thế nhưng giữa hàng ngàn mối liên lạc, đâu là những người gia đình bạn có thể liên lạc để giải quyết các tình huống bất khả kháng của bạn? 

Nhóm tác giả gợi ý 5 loại tình huống khẩn cấp mà gia đình bạn có thể cần thông tin liên lạc:
  1. Y TẾ:  Bác sĩ gia đình, hay bác sĩ chuyên ngành cho chứng bệnh của bạn.
  2. NHÀ: Thông tin này có thể trùng lặp với thông tin ở trên nếu như bạn đã sắp xếp một quyển hướng dẫn về bảo trì nhà của mình. Nhưng nếu bạn chưa thực hiện điều đó, ít nhất bạn cần có thông tin liên lạc của một người có thể sửa nhiều thứ trong nhà phòng khi ống nước bị bể chẳng hạn. Hoặc nếu như bạn thuê nhà, bạn nên liệt kê thông tin liên lạc của người cho thuê hoặc công ty quản lý.
  3. TÀI CHÍNH:  Nếu như bạn đã có người tư vấn tài chính cho bạn, hãy liệt kê thông tin liên lạc của người đó phòng khi người nhà cần họ tư vấn về tài chính của bạn khi bạn mất. Đó có thể là chuyên gia tư vấn tài chính, kế toán, người lên kế hoạch về hưu, nhân viên bảo hiểm, nhân viên quản lý đầu tư hay là người khai thuế.
  4. PHÁP LÝ: Nếu như bạn đã có lập di chúc hay quỹ tín thác, luật sư sẽ cung cấp cho gia đình bạn bản sao. Ngoài ra bạn có thể bao gồm luật sư di sản, luật sư gia đình/ ly hơn, luật sư về thương tật.
  5. CÔNG VIỆC: Người cùng làm việc với bạn hoặc bộ phận nhân sự, người mà gia đình có thể thông báo về tình hình của bạn hoặc giúp bạn nộp hồ sơ để yêu cầu phúc lợi.
  6. CÁ NHÂN QUAN TRỌNG VỚI BẠN: Có thể là bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, bạn cùng sinh hoạt tôn giáo, tình nguyện, những người mà bạn có thể muốn gặp lần cuối.

Đây là một số thông tin cá nhân mà bạn có thể tự sắp xếp và ghi lại. Nếu như bạn cảm thấy lưỡng lự khi làm việc này, hãy thử tưởng tượng cảm giác người thân của mình khi phải làm những việc này thay bạn. 

Tiếp theo, bạn sẽ cần phải sắp xếp thông tin cho con cái, cho cha mẹ già, và kể cả thú cưng nếu như bạn đang có trách nhiệm chăm sóc.

Bạn sẽ cần phải lập di chúc hoặc quỹ tín thác, ủy quyền người được ủy nhiệm, người chăm sóc cho con cái/ cha mẹ/ thú cưng. Những việc này cần nhiều thời gian và công sức để cân nhắc hơn nên đây là những bước nhẹ nhàng đầu tiên mà bạn có thể bắt đầu. 

Hà cảm thấy những bước này vẫn rất hữu dụng khi chúng ta còn sống. Chúng ta có thể vì việc gì đó mà vắng nhà vài ngày, và những thông tin được sắp xếp trên đây có thể giúp người ở nhà đỡ lúng túng khi thay mình chăm sóc con cái nhà cửa.

Hãy chọn một việc mà bạn thấy dễ dàng và bắt đầu thực hiện hôm nay đi!

Happy Halloween again!

Ha Le, CRPC™

Milky Way Retirement

Bạn có thể đăng ký nhận Câu chuyện Mỗi tháng qua email bằng cách bấm vào link này.








1 nhận xét:

Survivor benefit is taxed but how much?

 Em gái 34 tuổi, có con gái 4 tuổi. Chồng mất năm 2021. Hiện tại em nhận được $2,166/ tháng cho hai mẹ con từ SSN (2 mẹ con số tiền bằng nha...