Chào tháng Tư.
Cả tháng 4 không có giọt mưa. Mình cũng làm biếng tưới cây quá. Nhưng lúc đang viết Câu chuyện Tháng 4 này thì ở chỗ mình, mưa dầm dề 3 ngày cuối tháng cho đủ sở hụi. Mới mấy tuần trước còn khô hạn. Lần đầu tiên mình thấy có cảnh báo cháy rừng ở khu vực mình ở.
Thời tiết thay đổi (dù biết thế) chóng mặt hơn cả nhiều năm trước, có lẽ do biến đổi khí hậu. Người nông dân có thể sẽ gặp một năm khó khăn. Nông sản khan hiếm nên giá cả sẽ cao, cộng thêm lạm phát nên giá tiêu dùng có thể sẽ tăng cao.
Tháng 4 cũng là tháng Phổ cập Kiến thức Tài chính. Bạn nghĩ mình có đủ kiến thức về tài chính chưa?
Theo thống kê thì 20% sinh viên thiếu kỹ năng cơ bản về quản lý tài chính, điều này có nghĩa là họ có thể không biết gì về việc lên ngân sách, tiết kiệm, hoặc quản lý tiền bạc của chính mình.
Người lớn cũng không tốt hơn. 29% số phụ nữ đi làm có được kỹ năng quản lý tài chính cơ bản trong khi con số này với nam giới đi làm là 47%. Điều này có nghĩa là ít nhất khoảng 50% hộ gia đình đang gặp khó khăn trong việc quản lý số tiền mà họ cực khổ làm ra.
Bạn cũng có thể tìm thấy nhiều người bày tỏ bức xúc về việc khác nhau trong quản lý tiền bạc giữa vợ và chồng. Mình có nhớ đọc được một bài than phiền của một thành viên nhóm FIRE (Độc lập tài chính, về hưu sớm) trên Facebook. Anh ta cố gắng tiết kiệm hết mức có thể để có tiền đầu tư với mong muốn về hưu sớm. Thế nhưng anh ta đang yêu một cô nàng thích mua sắm vô tội vạ, và lo lắng về mối quan hệ của họ khi các quan niệm về tiền bạc và cách quản lý tiền bạc quá khác nhau.
Việc kiểm soát mua sắm vô tội vạ có thể coi là một việc khó khăn. Nếu bạn thấy mình có xu hướng nghiện mua sắm, hoặc mua sắm để hết buồn thì có thể bạn cần trị liệu. Việc mua sắm hợp lý có thể được huấn luyện cho con trẻ, bắt đầu từ việc phân biệt những món hàng nào thiết yếu, cần mua và những món hàng con muốn mua. Những kỹ năng này học càng sớm thì sau này con càng có tự tin quản lý tiền bạc của mình.
Quyển sách The Berenstain Bears- Trouble With Money của tác giả Stan & Jan Berenstain cũng có thể dùng để đọc cho con nghe và bắt đầu nói chuyện về tiền bạc. Cũng có nhiều quyển sách khác bạn có thể mượn về và cùng đọc với con.
Theo Tiêu chuẩn Quốc gia về Giáo dục Tài chính cho Người lớn, Phổ cập Kiến thức Tài chính có nghĩa là người ấy có được sự tự tin, kiến thức, và kỹ năng cần thiết để có thể đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn, đem lại cho bạn tài chính ổn định và bền vững và cuộc sống hạnh phúc. Những kỹ năng này bao gồm khả năng định vị, đánh giá và sử dụng thông tin, các tài nguyên và các dịch vụ để đưa ra các quyết định sáng suốt về các nghĩa vụ tài chính, lập ngân sách, tín dụng, giải quyết nợ và lập kế hoạch cho tương lai.
Financial Literacy |
Nói ngắn gọn, bạn cần những kiến thức cơ bản như: Quản lý tiền bạc, Quản lý tín dụng và nợ, Quản lý rủi ro, Đầu tư, và Lên kế hoạch về hưu. Đây có thể được coi là kỹ năng sống còn trong thời đại này để có được cuộc sống thoải mái với bất kỳ số tiền nào bạn làm ra.
Thế nhưng không phải ai cũng được học về tài chính. Số liệu thống kê năm 2016 National Financial Capability Study chỉ ra rằng vào năm 2015, chưa tới 30% người lớn Mỹ được học về tài chính ở trường học, cao đẳng hay là nơi làm việc. Có thể nói, kỹ năng quản lý tiền mà họ đang có đa số là học được từ thế hệ trước như cha mẹ, ông bà. Tuy nhiên, Ric Edelman viết trong quyển sách The Truth About Money rằng ông bà, cha mẹ của họ có thể không biết gì về kế hoạch về hưu vì tuổi thọ của họ ngắn. Thế hệ trước cũng không cần lo lắng gì về chi phí y tế hay chăm sóc lâu dài khi về già có thể làm cạn kiệt nguồn tiền về hưu của họ.
Có thể bạn nghĩ rằng, "Tôi vẫn sống tốt mà không cần biết nhiều về Phổ cập Tài chính". Mình xin chúc mừng bạn. Thế nhưng sẽ có vài lúc, bạn cảm thấy lưỡng lự không biết nên mua xe bằng tiền mặt hay là vay ngân hàng để mua xe, để con của bạn tự trả nợ khoản vay học phí đại học hay là giúp con trả nợ bằng số tiền đáng lẽ dùng cho khoản hưu trí. Quyết định hôm nay của bạn có thể ảnh hưởng mạnh đến tương lai xa mà bạn có thể chưa nhìn thấy được hôm nay.
Ngoài ra, khó khăn về tiếng Anh và sự khác biệt văn hóa cũng là những rào cản trên con đường thành công tài chính của bạn. Người Việt Nam tại Mỹ thường có khuynh hướng dùng tiền mặt để mua mọi thứ. Chúng ta cố gắng để dành đủ tiền mặt để mua mọi thứ vì chúng ta không muốn mắc nợ, không muốn trả lãi suất. Mặt khác, chúng ta lại mất một số chi phí cơ hội vốn có thể giúp chúng ta xây dựng tài sản cho tương lai.
Tương tự, một người bạn hỏi mình là bạn ấy nên làm gì với $30,000 bạn tiết kiệm được trong nhiều năm qua? Bạn có nên dùng số tiền đó để trả vào số tiền gốc để rút ngắn thời gian trả nợ nhà không? Và nếu Google, bạn sẽ thấy có nhiều lời khuyên khá nguy hiểm như khuyên bạn đầu tư vào chứng khoán, mua Trái phiếu, mua CDs...
Kết quả Google câu hỏi làm gì với $30,000. |
Trước khi đưa ra quyết định gì, bạn hãy cố gắng thu thập thông tin và đặt nhiều câu hỏi giả định. Nếu như mình cần tiền đột xuất thì sao? Giả sử mình bị bệnh (Covid, tai nạn) không thể đi làm được từ 6 tháng đến 1 năm thì sao? Thu nhập của mình đã được bảo vệ chưa? Chuyện gì xảy ra nếu mình vừa trả $30,000 vào khoản nợ vay mua nhà thì tuần sau xe của mình bị hư? Mình có thể rút ra $5,000 để chi trả không?
Bạn có thể phải đối mặt với những quyết định tài chính phức tạp hơn như các giấy tờ pháp lý, mua nhà, lên kế hoạch về hưu, quản lý nợ, đánh giá công việc nào có nhiều lợi ích hơn để chọn, hay phải giải quyết các vấn đề liên quan đến ly hôn hay việc người thân vừa mất. Khi bạn cảm thấy rối rắm, sự tư vấn của chuyên gia có thể giúp bạn dễ dàng quyết định hơn.
Consumer.gov |
Trong thời gian rảnh, bạn có thể tự học về việc quản lý tài chính bằng cách đọc sách hay qua các trang web. Mình thích trang web Consumer.gov và MoneyFit vì họ dùng tiếng Anh đơn giản, dễ hiểu.
Mình vẫn tiếp tục giải đáp các câu hỏi tài chính, nhưng xin tha thứ cho mình vì viết quá chậm. Mình thích viết đầy đủ để bạn có thể có quyết định đúng cho trường hợp cụ thể. Có thể một cuộc nói chuyện trực tiếp với mình có thể giúp bạn có câu trả lời nhanh hơn.